(PLO)- Hoạ sĩ Võ Tấn Thành (74 tuổi, ngụ Đồng Nai) khiến nhiều người trầm trồ, thích thú khi thực hiện các bức chân dung trong chai.
Nói về ý tưởng độc đáo này, ông Thành cho biết vẽ trên các chất liệu như giấy, vải,… đã quá phổ biến, ông muốn tìm tòi cho mình một chất liệu riêng thực hiện các bức tranh để không bị “đụng hàng”. Từ đó đến nay, người hoạ sĩ ‘đặc biệt’ này đã có hơn 50 năm theo đuổi hội hoạ trong chai.
Thông thường để vẽ trên mặt chai bóng loáng đã khó, việc vẽ trong lòng chai lại càng khó gấp bội khi người hoạ sĩ phải luồn cọ vẽ ngược thông qua miệng chai bé tí. Để chứng minh tay nghề hội hoạ của mình, ông Thành còn đặc biệt thực hiện hai bức chân dung vẽ đè lên nhau trên cùng một mặt chai.
“Khi thực hiện hai bức chân dung cùng một mặt chai, tôi phải tính toán tỉ mỉ để tổng thể hai bức tranh trùng khớp, không bị lệch. Chẳng hạn một mặt là người nam tóc ngắn, mặt còn lại là người nữ tóc dài thì phải cân chỉnh làm sao để đường viền của hai bức chân dung trùng nhau mới đảm bảo được độ thẩm mỹ, hài hoà, hình vẽ hai bên không bị lẫn vào nhau”, ông nhấn mạnh. Dưới đôi bàn tay tài hoa, hoạ sĩ Thành đã thực hiện hàng loạt bức chân dung của mình và người thân trong chai vô cùng lạ mắt. Những bức chân dung trong chai được lưu giữ kỹ với ý nghĩa về sự trường tồn vĩnh cửu mà người hoạ sĩ muốn gửi gắm. Bên cạnh đó, hình ảnh về Phật, các vị thần… cùng là đề tài được ông “sáng tác” nhiều trong chai. Để chai thêm sinh động, ông Thành còn trang trí thêm các chi tiết hoa sen, quả địa cầu…. Để thực hiện các bức chân dung trong chai, ông Thành thường dành khoảng một tuần để hoàn thiện. Ông lần lượt vẽ bức tranh ở mặt trước, sau đó đem phơi nắng cho lớp sơn khô rồi tiếp tục thực hiện bức tranh ở mặt còn lại. Nói về bí quyết để màu sắc ở hai chân dung không bị lem qua, ông tiết lộ: “Tôi sẽ sơn một lớp màu bạc ở giữa như một “vách ngăn”, bởi lẽ màu bạc sẽ đảm bảo màu sắc không bị thấm qua nhau khi vẽ đè”. Do bề mặt của chai trơn, có khúc lồi lõm rất dễ bị chảy màu nên ông Thành cũng đã dày công suy nghĩ, tìm tòi và chọn loại sơn dầu làm chất liệu phù hợp để vẽ lên chai. Bộ cọ dùng để vẽ của ông Thành cũng không giống ai. Ông sáng chế các cây cọ dài ngắn khác nhau, uốn cong phần đầu để dễ dàng đưa vào bên trong lòng chai. Vẽ chân dung trong chai không giống như khi vẽ trên những chất liệu khác có thể dễ dàng xoá, sửa khi gặp sự cố, khi thực hiện trong lòng chai lại càng không thể phác hoạ trước nên từng đường nét được ông Thành canh chỉnh cẩn thận để khi dùng cọ sẽ “một phát ăn ngay”. Đó cũng là lý do mà trong quá trình thao tác cọ, ông Thành chia sẻ phải nín thở để đường nét vẽ ra được chuẩn xác. “Khi cầm cọ mà chỉ cần mình thở nhẹ cũng dễ khiến đầu cọ bị dao động, lệch nét vẽ”, ông cho biết. Để thực hiện vẽ chân dung trong chai không chỉ đòi hỏi năng khiếu mà theo ông Thành còn cần có một quá trình luyện tập lâu dài để thuần thục, lúc vẽ người hoạ sĩ cũng phải có tính kiên nhẫn, tâm phải tịnh, tay phải tập trung, tỉ mỉ từng chút một. Có lẽ chính vì vậy mà đến bây giờ ông vẫn chưa tìm được “đệ tử ruột” nào để truyền lại bí quyết vẽ trong chai. Những bức chân dung của cha, vợ, con trai,… trong chai thuỷ tinh được ông Thành thực hiện hơn 20 năm trước. Người đàn ông thổi hồn vào chai kể thêm: “Nhiều người thoạt nhìn cứ nghĩ những bức chân dung trong chai được tôi cắt dán vào hoặc vẽ bên ngoài chai, mãi cho đến khi tận tay cầm chai cảm nhận thì mới trầm trồ”. Để thể hiện sự tự hào về những tác phẩm chân dung mình thực hiện, ông Thành còn cẩn thận viết cả chữ “Việt Nam” lên từng chai để đánh dấu “bản quyền” về một sản phẩm độc lạ do chính người Việt sáng tạo. Nhiều người khi biết đến biệt tài vẽ trong chai của hoạ sĩ Thành cũng đã tìm đến đặt hàng để sở hữu cho mình những bức chân dung độc lạ trong chai. Ấn tượng với cách vẽ trong chai, anh Dương Tấn Lái (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ) đã đặt vẽ một bức tranh Phật Quan Âm và Phật Di Lặc đưa vào cùng một chai để trưng bày trong nhà. Sau 2 tuần nhận hàng về, anh chia sẻ: “Những bức tranh trong chai rất sinh động, riêng với bức Phật Quan Âm, phần trán được vẽ ngay đường cong ở cổ chai vô tình tạo hiệu ứng như trán nhô ra, trông rất có hồn". Qua tìm hiểu, biết ông Thành phải nín thở khi vẽ từng nét cọ trong quá trình thực hiện, anh Lái bày tỏ cảm phục trước tài năng đặc biệt cũng như sự quyết tâm, kiên nhẫn của người hoạ sĩ. Bộ 12 con giáp được ông Thành thực hiện trong các chai với nét vẽ rất sinh động, bắt mắt. Ông Thành cho biết do chai có độ khúc xạ nên ở mỗi hướng nhìn bức chân dung trong chai sẽ hiện ra một vẻ khác nhau, vì thế người xem cần nhìn trực diện để thưởng ngoạn bức tranh trọn vẹn nhất. Bên trong nhà ông Thành còn trưng bày nhiều bức tranh vẽ thiếu nữ trên kính cũng được ông thực hiện bằng cách vẽ ngược vô cùng sắc sảo. Vẽ chân dung trong chai độc lạ nhưng cũng chỉ là thú vui tao nhã của ông Thành, công việc chính người hoạ sĩ này là phác thảo các bức chân dung qua lời kể với độ trùng khớp cao. Biệt tài này đã giúp ông thực hiện nhiều bức chân dung tội phạm qua lời kể của nhân chứng giúp dễ dàng nhận dạng đối tượng, hỗ trợ lực lượng chức năng trong các vụ án . Bên cạnh đó cũng nhờ tài năng đặc biệt này, ông đã giúp nhiều gia đình liệt sĩ không có di ảnh của người khuất để lưu giữ, thờ cúng được phục dựng thông qua mô tả, ký ức của người thân, bạn bè. Ông Thành từng đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai, giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Toàn lần thứ 9, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng hai Bằng Lao động sáng tạo, Bộ Công An tặng kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc", Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam",...