Người bạn đồng hành
“Nước là con đường biết đi” (Pascal)
Lợi dụng theo dòng nước để di chuyển là sự lao động sáng tạo của con người từ buổi sơ khai. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếc xuồng có mặt đồng thời với những đoàn quân Nam tiến. Khởi thủy là chiếc xuồng ba lá nhỏ gọn, dùng chèo (hoặc dầm) đi lại trong các xẻo, nạnh hay trong các bủng, trấp bằng cây sào nặng. Thậm chí có thể vượt qua sông cái rộng hàng cây số lúc sóng gió nếu người lái “có lá gan lớn”.
“Nước xuôi chạy gió buồm mền…”
Buồm mền là một sáng kiến độc đáo, chủ yếu lợi dụng sức gió đưa thuyền lướt sóng. Người ngồi sau chỉ việc kềm lái bằng cây chèo hoặc dầm. Nếu không có buồm mền? Thì dùng một tàu lá dừa nước thay thế và người cầm lái có thể ung dung nằm tréo ngoảy mà ca mùi mẫn sáu câu vọng cổ. Những hình ảnh thi vị nên thơ ấy của vùng sông nước giờ đã vắng bóng từ khi xuất hiện chiếc máy đuôi tôm. Biết làm sao được! Còn nếu nói rằng nuối tiếc thì coi chừng có người lại bảo “thằng cha này cù lần thầy chạy”.
Ðồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông rạch chằng chịt với chiều dài khoảng 54.000 km. Vì thế, chiếc xuồng được xem là vật bất ly thân, là đôi chân của người bản địa, nhất là dân Cà Mau (có khoảng 18.000 km sông rạch). Từ đó, nơi này đã hình thành những làng nghề đóng xuồng, ghe nhiều nhất vùng bờ tây sông Hậu, đứng đầu là chiếc xuồng ba lá. Gọi xuồng ba lá là do ba tấm ván đóng ghép lại. Có nhiều cỡ: be bảy, be tám, be chín và be mười. Nếu cần chuyên chở nhiều hơn, người ta ghép thêm hai tấm ván chạy dọc theo hai mép xuồng, gọi là be mười lăm. Còn ở vùng Cần Thơ, ra đời đầu tiên là loại xuồng năm lá (năm tấm ván ghép lại) và ghe tam bản, dễ di chuyển ở những khúc sông có lục bình dày đặc.
Thời kinh tế phát triển, các loại ghe xuồng chủ yếu dùng sức người được thay thế bằng các loại ghe máy đuôi tôm vi vu lướt sóng. Từ phiên bản của chiếc xuồng ba lá, người thợ mộc với óc sáng tạo đã chế tác thành vỏ gắn máy như lướn bầu, lướn móc,… dáng thon nhỏ như chiếc ghe ngo, lướt như mũi tên trên mặt nước. Loại hình dài thượt như con lãi (nên được gọi là vỏ lãi, tắc ráng) là vô địch về tốc độ do được gắn máy xe ô tô, trở thành tàu tốc hành đưa rước khách. Sự xuất hiện của loại phương tiện này xem như đã kết thúc thời vàng son của chiếc xuồng ba lá. Kẻ hết thời giờ thủ phận lui về ở ẩn quanh quẩn chốn xa xôi hẻo lánh.
Ảnh: TRẦN THÁI HÒA
Theo chân bạn thương hồ
Theo những triền sông dọc đồng bằng châu thổ Cửu Long, thi thoảng gặp vài địa danh khá lạ lẫm như Bến Bạ (bạ: tạm bợ). Xuất xứ của địa danh nói trên được nhà văn Sơn Nam giải thích như sau: Do xưa kia đây là bến dừng chân của những đoàn ghe thương hồ (buôn bán đường xa), của những người làm thuê, gặt mướn, những đoàn người lưu dân hoặc đốn củi lậu… rồi trở thành tên.
“Gió lên rồi căng buồm cho sớm. Ðốt lò lên ta nướng khô khoai. Nhậu vô cho hết mấy chai. Mặc cho nghiêng ngả không ai (mà) chống chèo”. Lời ca phóng khoáng của những tâm hồn phóng khoáng có thể được ra đời ở những cái bến bạ. Ðây là nơi tạm dừng chân cũng là điểm xuất phát của những cuộc mưu sinh, lưu lại vài nét chấm phá trong bức tranh khẩn hoang miền sông nước.
Cách đây non nửa thế kỷ, nhà thơ Kiên Giang đã bày tỏ nỗi ưu tư trong bài thơ nổi tiếng “Ðẹp Hậu Giang”, xin trích một đoạn:
Nếu cô thôn nữ ngừng câu hát.
Nếu bạn thương hồ bặt tiếng ca,
Nước bạc trường giang không chảy nữa,
Hoa bần thôi rụng xuống phù sa!
Lời thơ gợi nhớ những câu hát huê tình mượt mà, tao nhã; những điệu hò trầm bổng, nhặt khoan đêm trăng gió mát của bạn thương hồ. Ðó thường là những câu đối đáp mang tính ngẫu hứng như:
Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Kẻo giông khói đèn, bờ bụi tối tăm.
Bên gái tức thì đáp lại:
Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhầm cái tộ bể
Cưới vợ có chửa về, thổi lửa queo râu!
Hay:
Phòng loan trải chiếu rộng thinh.
Anh lăn đụng gối, tưởng bạn mình, anh hun.
Thì bên gái đáp lại, vẻ thông cảm:
Phải chi em được ngủ chung,
Thì đâu phải ra nông nỗi anh phải hun gối gòn…
Với tốc độ phát triển không phanh của quá trình đô thị hóa, những câu hát, điệu hò sông nước… dần bị chìm lấp, giam hãm bởi tiếng máy móc, xe cộ và lớp lớp bê tông. Câu hát đưa em được thay bằng những bản nhạc giựt, cà tửng, hò hét như điên loạn. Nghe phát nóng lạnh!
May mà giờ đây còn sót lại vài ba chợ nổi của thời xưa cũ, nhóm họp bởi những ghe thương hồ tứ xứ. Ðây là những ngôi nhà di động của một cái làng, hay đúng hơn là một cái chợ di động họp rồi tan theo mùa. Gọi làng vì đây như một “đơn vị hành chính” của giới thương hồ. Ăn ngủ, nấu nướng, giặt giũ… đều trên ghe. Có những người còn trồng vài bụi hành, bụi ớt, thêm vài ba chậu kiểng trên mui ghe, hoặc nuôi thêm con chó, con mèo làm bạn. Ðó là chưa kể đến một số dịch vụ “ăn theo” như sửa tivi, điện thoại, hớt tóc cho phái nam, chăm sóc sắc đẹp cho nữ giới… Gọi chợ vì đây là nơi trao đổi, mua bán các sản vật “tự sản tự tiêu” từ các vùng quê mang đến, chủ yếu là các loại trái cây, rau củ. Cách tiếp thị cũng độc đáo: Mỗi chiếc ghe cắm một cây sào tre dài treo các loại củ quả lủng lẳng như cây nêu đón tết, nhiều màu sắc…
Các chợ nổi nổi tiếng một thời như Lục Sĩ Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long), Phong Ðiền (đều ở Cần Thơ), chợ nổi Cà Mau… đến giờ đã mai một. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) cũng bị thu hẹp đáng kể. Tại sao người ta có thể quy hoạch hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất để làm những dự án đồ sộ chỉ dành cho các dịch vụ giải trí, vui chơi nhưng chưa thấy có động thái nào để giữ gìn những giá trị văn hóa mang sắc thái đặc thù của miền Tây đang có nguy cơ lần hồi biến mất?
Tìm những làng nghề
Xuôi theo dòng sông Tiền đến con sông Hậu, ta bắt gặp hàng đoàn ghe xuôi ngược với hình dáng, kích cỡ đa dạng. Và nhìn kỹ hơn mới thấy cách trang trí, sơn phết của từng chiếc ghe ở mỗi vùng đều có nét khác nhau, đặc biệt là phần mũi và mắt ghe. “Ghe ai mũi đỏ, xanh lườn/ Phải ghe Gia Ðịnh xuống vườn thăm em?”.
Ngoài những trại xuồng dọc sông Gành Hào (TP Cà Mau) chuyên đóng những loại xuồng ghe nhỏ, ở Ðồng Tháp có những làng nghề thuộc huyện Thạnh Hưng chuyên đóng xuồng năm lá cung cấp cho cả vùng Ðồng Tháp Mười. Chuyên về nghề đóng ghe chài có trọng tải từ 100 đến 200 tấn là hai vùng Cần Giuộc và Cần Ðước thuộc tỉnh Long An. Cô em dâu của Ngô Ðình Diệm là Trần Lệ Xuân từng sử dụng hàng đoàn ghe chài chở gạo từ lục tỉnh hoặc chở cá nước ngọt từ Biển Hồ về bán cho những chành, vựa ở Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, giới người Hoa ở Sài Gòn-Chợ Lớn độc quyền chuyên chở lúa gạo và vùng Cần Giuộc, Cần Ðước đã sớm hình thành thị trường cung ứng.
Tại Ngã Bảy-Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) tập trung nhiều làng nghề, hình thành sau khi Pháp hoàn thành việc đào nhiều nhánh kinh tập trung thành Ngã Bảy (1906-1908). Hiện vẫn còn nhiều cụ tổ nghề mộc còn sống như ông Hai Tồn, ông Tư Hóa (đều ở Doi Cát), ông Ba Trại ở Doi Chành… Còn lớp “hậu sanh” thì không đếm xuể.
Ông Tư Hóa kể rằng mình đã nối nghiệp cha “từ lúc cầm nổi cây đục”. Anh em của ông Tư Hóa có cả thảy 11 người, tất cả đều sống bằng nghề này. Tại sao khi lắp ráp xong một chiếc ghe, lúc hạ thủy có chiếc chạy vọt, có chiếc lại không? Ông cười bí mật: “Ăn nhau là ở chỗ đó!”. Theo ông, phàm nghề nào cũng có thầy tổ, theo nghĩa tâm linh là “tôn sư trọng đạo”. “Nghề của bọn qua đây thì thờ ông tổ nghề mộc, tức tổ sư Lỗ Ban. Mỗi năm các chủ trại làm giỗ tổ nghề mộc hai lần: Ngày 13-6 và 20-12 âm lịch. Trước khi hạ thủy một chiếc ghe cũng phải cúng tổ, đủ năm món…”.
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,
Tàu Tây kia mà liệt máy thì anh mới đành bỏ em!
Lời thề thốt nọ đã sớm lạc hậu bởi chỉ tin vào sức bền của sắt thép, vật chất. Cho đến cả vũ trụ này cũng không thể bền vững, bất biến cũng như những cái gọi là giá trị của vật chất. Chỉ những giá trị tinh thần mới luôn là báu vật của cuộc sống và mãi mãi trường tồn. Cái văn hóa sống đó chưa ắt có người đã nhận biết đầy đủ. Hoặc có người đã biết nhưng không thèm hiểu!
PHAN TRƯỜNG GIANG