Đổi 20 triệu giấy phép lái xe cấp trước 2012: Cần miễn phí

(PLO)- Các chuyên gia, người dân cho rằng việc đổi giấy phép lái xe không thời hạn để tiện cho việc sử dụng cũng như quản lý là phù hợp, tuy nhiên cần thực hiện đổi trực tuyến và nên miễn phí việc cấp lại.

Tại tọa đàm trao đổi về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 26-9, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho biết dự thảo luật vừa đưa vào quy định giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải đổi sang GPLX mới.

Để đồng bộ dữ liệu

Theo ông Nhật, yêu cầu trên nhằm chuyển đổi GPLX từ bìa giấy sang dạng PET để cập nhật vào hệ thống của Cục Đường bộ (Bộ GTVT), hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID... Cũng theo ông Nhật, trong quá trình nghiên cứu về quy định GPLX, đơn vị đã tiếp thu theo quy định Công ước Viên, phù hợp với hoạt động quốc tế. Việt Nam đang sử dụng GPLX chưa đồng bộ với Công ước Viên. Cụ thể, Công ước Viên quy định GPLX hạng A là xe máy, hạng B là ô tô… nhưng Việt Nam lại chia thành các hạng A1, A2, B1, B2...

“Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những GPLX quốc tế” - ông Nhật khẳng định.

P9-Bai_vietlong_doigiaypheplaixe_1h1-thylan.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Nhật trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: TC

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết việc cấp, đổi GPLX đang được triển khai trực tuyến. Quy trình thực hiện rất thuận tiện, người dân không phải đi lại, chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể làm được, với kinh phí là 135.000 đồng.

Về việc đổi GPLX không thời hạn, ông Thống cho biết hiện Chính phủ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quá trình này gặp khó khăn bởi có hơn 20 triệu GPLX bằng giấy bìa (không phải thẻ nhựa PET) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2013. Loại này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cạnh đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng CMND 9 số, không đồng bộ dữ liệu với CCCD 12 số hiện nay nên cũng không cập nhật được. Vì vậy, trước mắt đơn vị khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu PET để cập nhật theo CCCD 12 số, phù hợp với dữ liệu hệ thống dân cư.

Về lâu dài, ông Thống cho rằng Chính phủ cũng cần có lộ trình và chính sách phù hợp để đổi GPLX, để dữ liệu GPLX được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Nên miễn phí việc đổi

Là người đang sử dụng GPLX hạng A1, chị Trần Thị Hương (ngụ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bày tỏ lo lắng về quy định trên. Bởi theo chị biết, quy trình đổi GPLX khá phức tạp, cần phải có giấy khám sức khỏe, đơn đề nghị cấp lại… Vì vậy, chị Hương cho rằng Nhà nước cần đơn giản thủ tục đối với các đối tượng thuộc diện phải đổi lại này. Cụ thể, mọi công tác cấp đổi được thực hiện trực tuyến, người dùng chỉ cần chụp bằng cũ tải lên, cơ quan chức năng căn cứ vào các dữ liệu đã có để cấp lại.

20 triệu GPLX mô tô bằng giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2012 phải làm thủ tục đổi mới nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên bày tỏ sự ủng hộ việc đổi GPLX không thời hạn từ bìa giấy sang thẻ nhựa, bởi về lâu dài, việc chuyển đổi này tạo thuận tiện cho người dân, nhất là khi các dữ liệu được cập nhật và hiển thị trên hệ thống VNeID. Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc thay đổi trên phải có lộ trình, không làm mất thời gian cũng như tốn kém kinh phí cho người dân. “Tốt nhất là nên triển khai cấp lại miễn phí” - ông Liên nêu quan điểm.

Tương tự, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cũng ủng hộ đề xuất trên để dữ liệu GPLX được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng được nhanh chóng, chính xác hơn.

Tuy nhiên, TS Thủy cho rằng để tạo được sự đồng thuận của người dân, chính sách trên phải đáp ứng được ba điều kiện, đó là không gây phiền hà cho người dân, chi phí và phải đưa ra lộ trình đổi GPLX hợp lý. Trong đó, Nhà nước phải đặc biệt lưu ý đến việc không “đẻ” thêm nhiều thủ tục, không buộc người đổi bằng phải học và thi lại. Chính phủ cũng cần có chính sách miễn phí đối với người thuộc diện phải cấp, đổi GPLX không thời hạn. Trường hợp khó khăn chỉ thu tiền in ấn với chi phí khoảng 10.000-30.000 đồng/GPLX.

Thêm vào đó, đa dạng hình thức đổi, người dân có thể đổi trực tuyến hoặc cử người về tận phường để đổi GPLX cho người dân. Trong quá trình đổi phải thực hiện nhanh, nhằm tạo điều kiện cho người dân trong quá trình lưu thông trên đường. “Tóm lại, chúng ta phải giải quyết việc đổi GPLX khoa học, hợp lý, thực tiễn và tiện lợi cho người dân vì số lượng xe trong diện phải cấp lại rất lớn…” - TS Thủy nêu quan điểm.•

Quan điểm bạn đọc gửi đến Pháp Luật TP.HCM

Sau khi bài “Đề xuất đổi bằng lái xe không thời hạn cấp trước 2012” được đăng trên số báo ra ngày 1-9, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều sự góp ý của bạn đọc, hầu hết đều cho rằng việc đổi sẽ được ủng hộ nếu đáp ứng được ba điều kiện đó là thủ tục đơn giản, cấp trực tuyến và miễn phí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần tích hợp GPLX vào CCCD.

Bạn đọc có tên “VinhTran” viết: “Tại sao không tích hợp vào CCCD luôn. Khi làm CCCD, chỉ cần bảo người dân đem tất cả giấy tờ gồm thẻ bảo hiểm, GPLX, giấy tờ xe ra tích hợp một lần chứ đi đổi từng cái tốn thời gian”.

Còn bạn đọc “Quoc Nguyen Anh” nêu quan điểm: “Cần miễn phí nhưng đi đôi với nó là hồ sơ đơn giản, còn như hiện nay thì thôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm