Đối đầu Mỹ-Trung: Ông Biden dùng binh cũ nhưng kế mới

Theo nhận định từ tờ South China Morning Post, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn một loạt chuyên gia về Trung Quốc cho các vị trí quan trọng trong chính quyền của mình là nhằm báo hiệu một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc và tiếp tục chiến lược "xoay trục sang châu Á" mới.

Mặc dù bổ nhiệm các chuyên gia châu Á và cố vấn kỳ cựu từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, điều này lại phản ánh sự đồng thuận sâu sắc của lưỡng đảng đối với một chính sách cứng rắn hơn để cạnh tranh với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES

Từ quốc phòng, ngoại giao

Các lựa chọn trong nội các của ông Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, đã nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ.

Tuần trước, ông Biden đã thông báo về việc ra mắt một lực lượng đặc nhiệm về Trung Quốc mới thuộc Bộ Quốc phòng để xem xét chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông sẽ nhắm thẳng trọng tâm "giống như một tia laser" để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc và sẽ đẩy lùi nỗ lực của Bắc Kinh để trở thành cường quốc thống trị thế giới.

Hơn nữa, bà Ely Ratner - người được chọn là lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm về Trung Quốc - đã từng đồng viết một bài bình luận kêu gọi Mỹ thực hiện nhiều chiến lược đối với Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Nội dung bài bình luận xoay quanh việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh, sự hung hăng của họ ở Biển Đông cũng như các vấn đề khác như biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bài viết cũng thúc đẩy sự đổi mới ở Mỹ và xây dựng các liên minh quốc tế để đối phó với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền.

Nếu như ở lầu Năm Góc có Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks, người đã mô tả Trung Quốc là nhân tố "thách thức tốc độ của thời đại", thì ở Bộ Ngoại giao, ông Blinken đang tập trung nhiều hơn vào việc ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù tán thành cách tiếp cận cứng rắn hơn của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ lại ủng hộ một cách tiếp cận tập trung nhiều hơn vào các đồng minh của Mỹ và làm việc trong các khuôn khổ đa phương.

Trong lĩnh vực an ninh, các chuyên gia về Trung Quốc đang áp đảo về số lượng tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Ông Kurt Campbell, "kiến trúc sư chính" trong chiến lược "xoay trục sang châu Á" của ông Obama, sẽ là quan chức cấp cao của Biden về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại NSC.

Ông Campbell và ông Rush Doshi - người ông Biden lựa chọn giữ chức giám đốc cấp cao của Trung Quốcở NSC - đã đồng viết một bài cho Chính sách đối ngoại vào tháng 1 ủng hộ "sự tái can dự nghiêm túc của Mỹ" ở châu Á và các "nỗ lực có ý thức để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc".

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia do ông Biden chọn đã kêu gọi "đồng ca" với các đồng minh để chống lại Trung Quốc, thắt chặt hơn mối quan hệ với các đối tác châu Âu và châu Á, cũng như kêu gọi chính phủ Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ mới để cạnh tranh với Trung Quốc.

Đến kinh tế và thương mại

Về khía cạnh kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ đã sẵn sàng để "sử dụng đầy đủ các công cụ" chống lại các hành vi của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc là "cưỡng chế, phản cạnh tranh, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp Mỹ".

Trong khi trên trường thế giới, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc được đề cử Linda Thomas-Greenfield đã cam kết chống lại chương trình nghị sự của Trung Quốc trên toàn LHQ. 

Theo nhận định của bà Sarah Kreps, giáo sư về chính phủ và luật tại Đại học Cornell, ngay cả khi nhiều quan chức của chính quyền mới là những gương mặt quen thuộc thì các chính sách vẫn sẽ thay đổi.

"Dù các động thái vẫn chưa cụ thể nhưng rõ ràng là đã có sự thay đổi trong giọng điệu của các quan chức từng làm việc dưới thời ông Obama" - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm