Hôm 18-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hội đàm trực tiếp với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) Dương Khiết Trì tại bang Hawaii (Mỹ).
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, ông Pompeo và ông Dương đã trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề nhạy cảm như Hong Kong, Đài Loan, đại dịch COVID-19 nhưng cuối cùng không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào. Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang có dấu hiệu biến thành một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.
Hai chiến tuyến Mỹ, Trung
Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của một số chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng đối đầu giữa hai cường quốc kéo dài, trật tự thế giới trong tương lai có thể sẽ bị chia thành hai vùng ảnh hưởng tương ứng với hai hệ thống đồng minh, đối tác của mỗi bên.
Về phía TQ, nước này đang ra sức quảng bá về siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai - Con đường (BRI) sau một thời gian đình trệ vì COVID-19. Đối tượng Bắc Kinh nhắm đến lần này là các quốc gia đang cần một giải pháp phục hồi nền kinh tế bị đại dịch tàn phá. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tận dụng sức bật nhanh chóng của mình sau đại dịch để chứng minh sự vượt trội của mô hình kinh tế TQ trước mô hình phương Tây.
Ngày 18-6, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố thông qua Vành đai - Con đường, nước này sẽ tăng cường các dự án phát triển chung và thúc đẩy đa phương hóa. Ông Vương cũng khẳng định khối lượng trao đổi thương mại giữa các nước thành viên BRI và TQ đã tăng 3,2% trong ba tháng đầu năm nay, theo đài CGTN.
Trong khi đó, Mỹ thời gian qua đã rút khỏi hàng loạt thiết chế quốc tế mà Mỹ cho là không có lợi cho mình hoặc thân TQ. Vào tháng 5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và rút toàn bộ viện trợ hằng năm với cáo buộc Bắc Kinh kiểm soát cơ quan này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đến thăm Bắc Kinh tháng 11-2017. Ảnh: AP
Đổi lại, Washington hỗ trợ củng cố, thiết lập hàng loạt tổ chức, liên minh khác để thay thế. Một số ví dụ điển hình là thúc đẩy nhóm tình báo Ngũ Nhãn thành một liên minh chống TQ, ủng hộ thành lập liên minh D10 để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu công nghệ viễn thông 5G.
Một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 5-6, một nhóm 18 nghị sĩ từ tám quốc gia phương Tây khác nhau cùng thành lập liên minh hành động chung có tên Liên minh Quốc hội đa quốc gia về chính sách đối phó TQ (IPAC) để “đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với TQ”.
Theo PGS khoa học chính trị Paul Poast thuộc ĐH Chicago (Mỹ), “những động thái trên càng chứng tỏ hoàn toàn có khả năng xảy ra việc trật tự thế giới bị chia thành hai vùng ảnh hưởng với một bên là hệ thống BRI của TQ, bên còn lại là trật tự của Mỹ”.
Một trong những bài học lớn mà chúng ta cần chú ý là nên thiết lập một loạt cơ chế được chứng minh là hiệu quả từ thời Chiến tranh lạnh để đề phòng khủng hoảng Mỹ - Trung bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Ông ZHANG TUOSHENG, Quỹ Nghiên cứu chiến lược và quốc tế TQ |
Khó có hợp tác thực chất
Dù vậy, một số nhà quan sát lại có quan điểm rằng kể cả khi căng thẳng Mỹ - Trung tới cực điểm, kịch bản các quốc gia còn lại sẽ chủ động xếp thành hai chiến tuyến đối đầu nhau theo sự dẫn đầu của hai cường quốc này vẫn khó xảy ra. Lý do, đơn giản vì không nước nào muốn làm phật ý hai siêu cường này.
“Các nước nhiều khả năng sẽ duy trì một đường lối ngoại giao mềm dẻo để tránh bị Washington hay Bắc Kinh chú ý, nhất là những nước tham gia các liên minh với mục tiêu chính trị quá rõ ràng như IPAC. Bên cạnh đó, nhiều nước vẫn còn nghi ngại về cam kết duy trì thương mại tự do của cả Mỹ và TQ khi cả hai đều từng sử dụng chính sách bảo hộ mậu dịch để gây sức ép lẫn nhau” - chuyên gia phân tích Reva Goujon tại Công ty tư vấn rủi ro Crumpton (Mỹ) nhận định.
Ông Goujon kết luận: Nếu không có động thái tăng cường lòng tin, siết chặt hợp tác với các đồng minh và đối tác, cái gọi là “hai chiến tuyến đối đầu” có thể sẽ chỉ là một mạng lưới đa quốc gia lỏng lẻo, không tạo được ảnh hưởng thực chất.
Liên minh châu Âu (EU) hiện là tổ chức đầu tiên tuyên bố sẽ đứng ngoài, không chọn phe trong đối đầu Mỹ - Trung, theo phát biểu Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell hôm 14-6. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ông Borrell khẳng định sẽ mở kênh liên lạc chung EU - Mỹ do lo ngại về “tham vọng và tiềm lực của Bắc Kinh”. Đây được đánh giá là bước đi cẩn trọng của EU trong thế bị kẹt giữa một bên là đối tác thương mại quan trọng (TQ), bên còn lại đồng minh lâu năm (Mỹ).
Ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc gây lo ngại Bên cạnh đẩy mạnh dự án Vành đai - Con đường, Bắc Kinh cũng ngày càng quyết liệt theo đuổi chiến lược ngoại giao “chiến lang”: Hung hăng bảo vệ tới cùng lợi ích quốc gia TQ trên mọi phương diện tranh chấp với các nước khác, từ mâu thuẫn thương mại đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tờ The Nikkei cảnh báo cách hành xử này của TQ đang cản trở tiến trình toàn cầu hóa và đi ngược lại các tuyên bố thúc đẩy đa phương hóa mà nước này đưa ra. Chiến lược cũng đặt dấu chấm hỏi lớn về các cam kết hỗ trợ cùng nhau phát triển với các nước khác khi Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp tất cả để theo đuổi lợi ích riêng. |