Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng mới liên quan đến sự cạnh tranh trong không gian giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, báo South China Morning Post đưa tin.
Mỹ: Không gian đã trở thành một "mặt trận chiến tranh"
Ngày 17-6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo xác định Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Mỹ trên mặt trận phòng thủ không gian.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Lực lượng Không gian thuộc Quân đội Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS
Mỹ cho rằng "những hành động, ý định và chiến lược quân sự của các đối thủ tiềm tàng" đã biến không gian trở thành một mặt trận chiến tranh.
Lầu Năm Góc cho rằng cả Nga và Trung Quốc đều có kế hoạch của riêng mình về việc đưa vũ khí vào không gian để "giảm khả năng quân sự của Mỹ và đồng minh, thách thức sự tự do thực hiện các hoạt động trong không gian".
"Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động không gian thương mại và mang tính quốc tế làm tăng thêm sự phức tạp của môi trường trong không gian" - Bộ Quốc phòng Mỹ viết trong chiến lược quốc phòng.
Nhằm giải quyết những cơ hội, thách thức và mối đe dọa mới trong không gian, Mỹ lên kế hoạch thực hiện một số thay đổi trong chương trình không gian của mình trong khoảng 10 năm tới.
Theo đó, Mỹ sẽ phát triển Lực lượng Không gian - một đơn vị mới của Quân đội Mỹ được thành lập cuối năm 2019 - và sắp xếp lại bộ máy điều hành các hoạt động trong không gian.
Chiến lược mới cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc với một số cơ quan khác trong chính phủ Mỹ cùng các công ty tư nhân để tiến hành hoạt động thương mại trong không gian, cũng như đòi hỏi sự hợp tác giữa Washignton với các đồng minh và đối tác.
Mỹ lo ngại vệ tinh của Trung Quốc?
Chiến lược mới được công bố chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố hoãn phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Bắc Đẩu do "lý do kỹ thuật".
Một trong những biểu hiện cạnh tranh chiến lược trong không gian là bộ ba hệ thống định vị bằng vệ tinh GPS (Mỹ), Glonass (Nga) và Bắc Đẩu (Trung Quốc).
Tên lửa Trường Chinh 3B được phóng ngày 9-3 để một tên lửa thuộc hệ thống Bắc Đẩu vào quỹ đạo. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trong đó, Mỹ bắt đầu phát triển GPS sớm nhất (từ những năm 1970), Nga phát triển Glonass từ năm 1982, còn Bắc Đẩu là hệ thống mới được xây dựng từ năm 2000.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Châu Thần Minh cho rằng Bắc Kinh muốn hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Bắc Đẩu trở thành một hệ thống định vị toàn cầu trong 15 năm tới.
"Công nghệ dẫn đường được sử dụng trên hệ thống Bắc Đẩu có thể cạnh tranh với GPS nhưng vấn đề chính là Trung Quốc không có đủ kinh nghiệm để quảng bá hệ thống này trở thành một dịch vụ toàn cầu" - ông Châu nói.
Ông Hà Cơ Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực phòng thủ không gian thuộc Đại học Chính trị và pháp luật Thượng Hải, cho rằng "Washington muốn dùng kế hoạch đưa Bắc Đẩu ra toàn cầu là một cái cớ để kìm hãm sự phát triển của hệ thống này".
Ông Hà cho rằng "Mỹ đã có ưu thế vượt trội trong không gian" khi chiếm gần một nửa trong số 320 vệ tinh quân sự và vệ tinh lưỡng dụng trong quỹ đạo, vượt xa Nga và Trung Quốc - hai nước có nhiều vệ tinh thứ hai và thứ ba thế giới.
Ưu thế vượt trội của Mỹ trong không gian đã là một công cụ hỗ trợ Lầu Năm Góc trong kế hoạch hợp tác với Nhật Bản, Úc, các đồng minh và đối tác khác để kiềm chế Trung Quốc - ông Hà nhận định.
Chuyên gia Hà cũng cho rằng nhiều chiến lược nêu trong báo cáo ngày 16-6 của Lầu Năm Góc giống như những gì Washington đã làm để cô lập và kiềm chế Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự và thương mại.