Trung Quốc dùng công nghệ trộm của Mỹ để phủ đầu Washington?

Đội ngũ cố vấn của Quốc hội Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể đang sử dụng công nghệ đánh cắp từ Mỹ để phát triển một số vũ khí đủ khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu Washington, hãng tin Sputnik ngày 18-6 cho hay.

Dẫn báo cáo ngày 10-6 của Lực lượng đặc nhiệm An ninh quốc gia và nội địa Mỹ, Sputnik cho biết Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các vũ khí có khả năng tạo ra xung điện từ cường độ lớn, có thể phá hủy hệ thống truyền tải điện của Mỹ để mở đầu một cuộc tấn công tổng lực toàn diện. 

Vũ thử hạt nhân Castle Bravo của Mỹ năm 1954. Ảnh: SPUTNIK

Cơ quan cố vấn của Quốc hội Mỹ cũng điểm lại một số báo cáo về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ hạt nhân hàng đầu của Mỹ để phát triển các vũ khí phục vụ chương trình hạt nhân của mình.

Mỹ "vẽ ra" ba kịch bản tấn công hạt nhân phủ đầu cho Trung Quốc

Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm An ninh quốc gia và nội địa Mỹ Peter Pry viết trong báo cáo rằng Trung Quốc có thể cân nhắc ba kịch bản tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ. 

Đầu tiên, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí "siêu xung điện từ" - một loại vũ khí hạt nhân có khả năng khuếch đại tối đa xung kích điện từ, tạo ra khả năng hủy diệt lớn hơn.

Nếu chọn cách này, Trung Quốc sẽ cho vũ khí phát nổ trên tầng cao trong khí quyển tương tự vụ thử hạt nhân Starfish Prime của Mỹ (năm 1962), làm tê liệt các thiết bị điện tử trong bán kính ảnh hưởng của vụ nổ.

Kế hoạch thứ hai có thể là sử dụng vũ khí siêu vượt âm - một "thiết bị lướt" hoặc một tên lửa hành trình có tốc độ đủ nhanh để lọt qua mọi hệ thống phòng thủ của kẻ thù.

Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phát triển được ít nhất hai vũ khí vượt siêu thanh có thể dùng cho nhiệm vụ này. 

"Thiết bị lướt" DF-17 là một trong những vũ khí vượt siêu thanh của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Mỹ cho rằng cách thứ ba mà Bắc Kinh có thể nhắm tới là gắn vũ khí hạt nhân có khả năng tạo ra xung điện từ lên các vệ tinh trên quỹ đạo.

"Mỹ nên đặc biệt quan tâm đến kịch bản Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân không gian, có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung" - ông Pry viết trong báo cáo.

Ông Pry cho rằng trong kịch bản này, Trung Quốc có thể chấp nhận mất một số vệ tinh của mình để "quét sạch" các vệ tinh Mỹ, "làm tê liệt năng lực quân sự của Mỹ".

Tuy nhiên, Sputnik cho rằng ý tưởng trang bị vũ khí trên các vệ tinh chủ yếu mang tính lý thuyết và ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Mỹ nghi ngờ việc Trung Quốc tuyên bố "không tấn công hạt nhân trước"

Trong báo cáo này, ông Pry còn cảnh báo Trung Quốc không hề có ý định đi theo học thuyết "không tấn công hạt nhân trước" như họ đã tuyên bố.

Ông Pry lập luận rằng theo "lẽ thường", Trung Quốc không thể thực hiện chính sách "không tấn công hạt nhân trước" do các vấn đề trong năng lực phòng thủ và khả năng phát hiện các cuộc tấn công sắp xảy ra.

Ông Pry cho rằng hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo và hệ thống vệ tinh của Trung Quốc chưa thể sánh kịp Mỹ về khả năng cảnh báo một vụ tấn công sắp xảy ra.

Cùng với đó, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh có thể chịu tổn thất nặng nề nếu bị Mỹ và Nga, hay thậm chí là Ấn Độ tấn công hạt nhân phủ đầu.

Theo báo cáo thường niên do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố ngày 15-6, Nga (6.375 đầu đạn) và Mỹ (5.800 đầu đạn) là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Trung Quốc xếp thứ ba với 320 đầu đạn hạt nhân, trong khi kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ còn khiêm tốn hơn, với 150 đầu đạn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm