Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 15-6 cho biết Trung Quốc là một trong sáu quốc gia mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm 2019. Cụ thể, nước này đã bổ sung 30 đầu đạn hạt nhân các loại.
Bên cạnh Trung Quốc, năm quốc gia mở rộng kho vũ khí hạt nhân là Ấn Độ, Anh, Pakistan, Israel và Triều Tiên với số đầu đạn hạt nhân mới dưới 20, theo báo cáo của SIPRI.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố nước này có thể tấn công bất cứ nơi nào tại Trung Quốc bằng đầu đạn hạt nhân. Ảnh: UNIVERSALASHIC
Báo cáo của SIPRI có đoạn: “Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan cũng được cho đang gia tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ”.
Báo cáo cho biết mặc dù sáu quốc gia trên tăng số lượng đầu đạn hạt nhân nhưng tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu tiếp tục giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do Mỹ và Nga, hai quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, giảm số lượng đầu đạn chủ yếu thông qua việc tháo dỡ đầu đạn hết niên hạn sử dụng.
“Đồng thời, cả Mỹ lẫn Nga đang triển khai các chương trình lớn và đắt tiền để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, tên lửa và hệ thống máy bay chuyên chở cũng như các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân” - báo cáo cho biết.
Hiện tại, Mỹ triển khai 1.750 đầu đạn được lắp trên tên lửa hay tại các căn cứ có lực lượng vận hành. Mỹ còn có 4.050 đầu đạn dự trữ hoặc đầu đạn hết niên hạn chờ tháo dỡ.
Nga hiện có 1.570 đầu đạn và 4.805 đầu đạn cất trong kho hoặc chờ tháo dỡ.
Tính đến đầu năm 2020, chín quốc gia gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên ước tính có tổng cộng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân.
Trong số đó, 3.720 đơn vị được triển khai với lực lượng vận hành, khoảng 1.800 đơn vị khác đặt trong tình trạng báo động cao, theo báo cáo của SIPRI.
Báo cáo cho biết, ngoài vũ khí hạt nhân, các mối đe dọa mới như vũ khí hóa học và vũ khí sinh học tiếp tục tăng khiến thế giới trở nên bất ổn hơn trước.
Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Kể từ năm 2017, Mỹ nhiều lần tuyên bố không gian vũ trụ sẽ là vùng tác chiến hoặc khu vực tấn công và phòng thủ trong các chiến dịch quân sự. Tổng thống Donald Trump cuối năm 2019 đã cho thành lập Lực lượng vũ trụ, trong khi Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản cũng thành lập đơn vị không gian quân sự.
Ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng những thay đổi trong việc tăng cường quân sự của thế giới báo hiệu sự bấp bênh của hòa bình thế giới.
“Nhiều quốc gia hiện đang phát triển hệ thống chống tên lửa của riêng họ, giúp bảo vệ đất nước khỏi bị đầu đạn hạt nhân tấn công. Tuy nhiên, một khi những hệ thống này được phát triển rộng rãi, điều này sẽ dẫn tới chủ nghĩa phiêu lưu quân sự - một số quốc gia có thể tấn công các quốc gia khác – và khiến thế giới nguy hiểm hơn” - ông Zhou nhận định.