Tăng cường vũ khí hạt nhân, Trung Quốc chỉ có thiệt

Những lời kêu gọi Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân phản ánh các mối quan hệ đang lung lay với Mỹ, song bất kỳ động thái liều lĩnh nào cũng có thể làm tổn hại uy tín của Trung Quốc, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của một nhà phân tích.

Các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng từ năm 2017. Thời điểm đó Washington coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược và các nhà lãnh đạo có quan điểm hiếu chiến ở Trung Quốc kêu gọi quân đội nước này bổ sung kho dự trữ đầu đạn hạt nhân nhằm ngăn một nước Mỹ “ngày càng phi lý”.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc tại cuộc duyệt binh lớn hôm 1-10-2019. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Lời kêu gọi mới nhất xuất hiện vào ngày 8-5. Lời kêu gọi này được ông Hu Xijin - Tổng biên tập tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong một bài báo đăng trên tờ này.

Kêu gọi tăng vũ khí hạt nhân: Không thuyết phục

Trong bài báo, ông Hu viết Trung Quốc nên tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000, trong đó “có ít nhất 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 vốn có thể vươn tới lục địa Mỹ”.

DF-41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền mạnh nhất của quân đội Trung Quốc. 16 tên lửa DF-41 đã được ra mắt tại một cuộc duyệt binh lớn nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10-2019. Mỗi tên lửa như vậy có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân. 

Tuy nhiên, theo ông Zhao Tong - thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, lập luận của ông Hu không thuyết phục.

Ông Zhao cho rằng việc căng thẳng gia tăng với Mỹ không thể bào chữa cho việc dự trữ thêm vũ khí hạt nhân.

“Năng lực hạt nhân của Trung Quốc không phải được thiết kế cho một mối quan hệ tốt. Do đó, một mối quan hệ xấu (với Mỹ) không tạo sự khác biệt” - ông Zhao nhận định.

“Các lo ngại về an ninh quốc gia trong một môi trường quốc tế mới là điều có thể hiểu được nhưng thực tế chúng vô căn cứ” - ông Zhao nói thêm.

Phá vỡ cam kết, tổn hại uy tín

Các quan chức có quan điểm diều hâu ở Trung Quốc có một lập luận khác rằng Trung Quốc có thể gặp bất lợi trong trường hợp nổ ra xung đột vì vũ khí hạt nhân được coi là răn đe chiến lược.

Theo đánh giá của ông Zhao, nếu Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong khi các cường quốc khác giảm số lượng thì nước này có thể bị cáo buộc phá vỡ các cam kết và hủy hoại các nỗ lực không phổ biến và kiểm soát vũ khí của quốc tế. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

“Việc xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn có thể khiến một quốc gia trở nên đáng sợ hơn nhưng sẽ không giành được sự tôn trọng” - ông Zhao nói.

Cũng theo ông Zhao, động thái như vậy sẽ không giúp gì cho tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.

“Qua nhiều thế hệ, các nhà lãnh đạo đã cam kết Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền. Đây sẽ là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có giữ lời hay không” - ông Zhao nói.

Khi được yêu cầu bình luận về lời kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân của ông Hu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng đó chỉ là “quan điểm cá nhân” của ông Hu và Bắc Kinh nhất quán trong chính sách về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Bà Hoa không đi vào chi tiết về đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, song nói rằng quốc gia sở hữu kho vũ khí lớn nhất cần “giảm mạnh quy mô hơn nữa”.

Theo SCMP, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được cho tương đương với Anh và Pháp, khoảng 200-300 đầu đạn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm