Đòi lại tài sản, kiện lúc nào cũng được!

Theo ông Nguyễn Thanh Mận (Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Tòa án), việc TAND Tối cao ban hành một loạt năm nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (các nghị quyết cùng có hiệu lực từ 1-7-2013) sẽ đảm bảo cho các cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật thống nhất, không còn lúng túng như trước nữa.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Để làm rõ hơn về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Nghị quyết 03 ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn như sau: Các tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Chẳng hạn, đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện là ba năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì thời hiệu khởi kiện là một năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Điều 202 Bộ luật Lao động)...

Cạnh đó, Nghị quyết 03 đưa ra một hướng dẫn rất mới về các tranh chấp dân sự không áp dụng thời hiệu khởi kiện: Một là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Hai là tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác đang quản lý, chiếm hữu. Ba là tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ví dụ: Tháng 1-2008, ông A cho ông B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là một năm. Đến hạn, ông B không trả nợ. Tháng 4-2011, ông A khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông B trả lại cả khoản tiền gốc lẫn tiền lãi.

Nếu như trước kia, đơn khởi kiện của ông A sẽ bị tòa từ chối thụ lý vì đã hết thời hiệu khởi kiện thì nay theo hướng dẫn mới, tòa sẽ chỉ từ chối thụ lý, giải quyết yêu cầu đòi khoản tiền lãi của ông A. Riêng với yêu cầu đòi khoản tiền gốc (tranh chấp đòi lại tài sản) của ông A thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Hướng dẫn thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu

Theo Nghị quyết 03, không áp dụng thời hiệu yêu cầu trong các trường hợp sau: Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Hay yêu cầu tuyên bố một người mất tích, yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích; yêu cầu tuyên bố một người đã chết, yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết...

Trước đây, một điểm làm các thẩm phán lúng túng là xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu. Vì vậy, Nghị quyết 03 hướng dẫn thời điểm này được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ví dụ: Theo Điều 45 Luật Công chứng thì công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị tòa tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày biết được việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Khởi kiện đặc biệt: Phải có chứng thực

Một vướng mắc khác đối với nhiều tòa, nhiều thẩm phán là trường hợp khởi kiện của người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ.

Để giải quyết vướng mắc, Nghị quyết 05 ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn rõ là những người này có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện nhưng phải có người làm chứng (có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự). Người làm chứng phải ký xác nhận việc khởi kiện và nội dung khởi kiện vào đơn khởi kiện trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 05 cũng hướng dẫn về quyền khởi kiện của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Những người này nếu không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó.

Thẩm phán lấy lời khai đương sự

Việc lấy lời khai của đương sự phải do thẩm phán tiến hành. Thư ký tòa án chỉ có thể giúp thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Trường hợp vì lý do công tác hoặc trở ngại khách quan, thẩm phán có thể giao cho thư ký tòa án tiến hành lấy lời khai nếu đương sự đồng ý. Biên bản ghi lời khai phải có xác nhận của thẩm phán...

Trích khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2012 của Hội đồng
Thẩm phán TAND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới