Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo công bố dự thảo thi THPT năm 2017 mới đây.
Như vậy, có thể hiểu đổi mới giáo dục là việc phải làm thường xuyên. Ngày nay khoa học giáo dục thay đổi rất nhanh. Mọi hoạt động giáo dục từ lý thuyết đến thực hành đều liên tục được điều chỉnh, bổ sung để không làm mất đi tính chất sáng tạo của giáo dục. Chương trình đào tạo cũng liên tục được thay đổi, bổ sung cho kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Vậy điều này có gì mâu thuẫn với việc đổi mới thi cử đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều?
Trước hết, với các em học sinh, khi được hỏi cảm nhận đầu tiên về đổi mới thi cử thì các em trả lời rằng thi cử thay đổi liên tục tạo tâm lý không ổn định cho các em. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kỳ thi sắp tới. Nhiều em cũng cho biết đã lên kế hoạch học thi từ năm lớp 10, nay đến lớp 12 Bộ GD&ĐT thay đổi làm trở tay không kịp.
Với giáo viên, họ cũng giải thích mỗi lần thay đổi thi cử, chủ yếu là cách ra đề thi thì giáo viên phải thay đổi hướng dạy, cách dạy để đạt kết quả cao nhất. Họ cũng cho rằng việc thay đổi thi cử gần như diễn ra hằng năm làm họ khó mà chuẩn bị tốt cách dạy. Nhiều hiệu trưởng THPT cũng bày tỏ băn khoăn trong khi chương trình, sách giáo khoa chưa giảm tải mà thời lượng làm bài thi giảm sẽ khó đánh giá đúng năng lực học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng theo quy định hiện hành, việc dạy học của giáo viên phải bám sát đến từng tiết học, chương trình - sách giáo khoa cũng chưa thay đổi thì việc đổi mới cách ra đề thi sẽ gây không ít khó khăn, lúng túng cho giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn khoa học xã hội. Các giáo viên tâm sự bản thân họ không dám cắt bỏ chương trình (nhiều nội dung lạc hậu) để hướng dẫn học sinh làm bài theo đề thi đổi mới vì sẽ bị phạm quy. Nói thẳng là với cách học và thi cử đổi mới, sẽ có tình trạng “học một đằng, thi một nẻo”.
Đề án thi THPT 2017 năm nay ngả theo xu hướng đánh giá năng lực tổng hợp người học, chú trọng kiến thức toàn diện, nâng cao dần chất lượng đầu vào. Hướng đi này tiệm cận với giáo dục thế giới. Mặt khác, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thí điểm bài thi đánh giá năng lực từ ba năm nay và bước đầu cho thấy thành công trong các khâu tuyển sinh, đào tạo... Nhưng dù có ưu điểm cũng không ai mong muốn năm nào thi cử phải có thay đổi.
Đổi mới giáo dục là quá trình cần xem xét liên tục nhưng khi áp dụng phải cân nhắc đến tính bền vững. Không ai mong một chủ trương mới đưa vào áp dụng năm nay lại phải thay đổi vào năm tới. Vấn đề là đổi mới giáo dục cần có lộ trình, bước đi vững chắc, tránh đổi mới xong phải làm lại.