Bệnh heo tai xanh là bệnh gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo do virus leylystad gây ra. Heo có thể chết sau 5-7 ngày vì suy giảm hệ miễn dịch, giống như trường hợp nhiễm HIV ở người. Bệnh chỉ lây từ heo sang heo và không lây sang người.
Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục đã gửi mẫu virus gây ra các ổ dịch heo tai xanh tại Việt Nam gần đây qua Hàn Quốc để giải mã gien. Kết quả cho thấy virus gây bệnh heo tai xanh năm 2010 cùng loại với virus gây bệnh những năm trước.
Tuy nhiên, virus đã có sự biến đổi và tạo thành một nhóm khác. Đặc biệt, loại virus gây ra các ổ dịch heo tai xanh tại miền Bắc năm nay có sự tương đồng cao với một loại virus ở Trung Quốc năm 2009, dạng biến thể độc lực cao, gây bệnh hàng loạt, có thể làm chết cả heo trưởng thành.
Do ảnh hưởng dịch tai xanh nên đàn heo của Công ty Công Trí (Lâm Đồng) chưa bán được.
Kiên quyết phòng chống, ngăn chặn
Thực tế cho thấy dịch heo tai xanh năm 2010 xuất hiện đầu tiên ở các tỉnh phía Bắc rồi lan nhanh vào phía Nam. Theo Cục Thú y, virus tai xanh trên heo phát tán nhanh do tiếp xúc trực tiếp với heo mắc bệnh, do thụ tinh nhân tạo... Dịch lây lan còn do phát tán qua không khí (từ phân, chất thải mang virus), theo gió (có thể đi xa 3 km), nguồn nước bị ô nhiễm… Ngoài ra, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động… cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến bệnh lây lan. Để chống dịch, ngoài các biện pháp tiêu độc khử trùng các ổ dịch, phải cấm di chuyển heo từ vùng có dịch đi nơi khác. Hiện nay, một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Sóc Trăng… đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề từ dịch heo tai xanh. Trước sự lây lan quá nhanh dịch bệnh này, các địa phương và người chăn nuôi đang khẩn trương thực hiện biện pháp ngăn chặn.
Ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Cơ quan thú y tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán heo trên địa bàn tỉnh; lập các chốt chặn, dựng biển cảnh báo khu vực có dịch heo tai xanh…”. Nhằm hạn chế thực trạng người chăn nuôi bán tống bán tháo heo bệnh khiến nguy cơ lây lan dịch tăng cao, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh với mức 25.000 đồng/kg.
Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang dựng biển cảnh báo khu vực có dịch heo tai xanh để khuyến cáo.
Heo sạch... có thể chuyển ra khỏi tỉnh
Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, khuyên người chăn nuôi hợp tác chặt chẽ với cơ quan thú y. Khi phát hiện heo bỏ ăn, sốt cao, khó thở…, người chăn nuôi phải báo ngay để cán bộ thú y xác định bệnh, tiến hành xử lý… Nếu giấu giếm thì dịch bệnh dễ lan nhanh trên diện rộng, người chăn nuôi phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn.
Tuy nhiên, khác với cúm gia cầm, heo tai xanh không có nguy cơ gây bệnh trực tiếp cho con người, giá trị kinh tế của heo lại cao nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định cởi mở hơn: Đối với heo khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tập trung nằm trong xã có dịch, nếu đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tai xanh thì được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh, đến thẳng cơ sở giết mổ (đối với heo thịt) hoặc cơ sở cách ly kiểm dịch (đối với heo giống) được chỉ định trước. Thế nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi thấy người chăn nuôi đang trầy trật tìm nơi tiêu thụ... heo khỏe.
Lấy cớ dịch ép giá người nuôi
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công Trí (Lâm Đồng), cho biết công ty hiện nuôi 2.200 con heo ở huyện Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa (Đồng Nai). Khi Đồng Nai công bố bệnh heo tai xanh xuất hiện tại một xã trong huyện Vĩnh Cửu, lập tức nhiều cơ sở từ chối thu mua heo của công ty dù đàn heo hoàn toàn mạnh khỏe. “Chỉ một vài cơ sở thân thiết thu mua nhưng số lượng rất ít, giá lại hạ” - ông Công thở dài.
Ông Chung Kim, chủ trại heo giống cao sản Kim Long (Bến Cát, Bình Dương), cũng như ngồi trên đống lửa. Trại heo của ông không nằm trong vùng dịch nhưng khi Bình Dương công bố dịch heo tai xanh ở huyện Phú Giáo thì hơn 5.000 con heo của ông bị “treo” lơ lửng: bán không được vì bị ép giá, giữ lại nuôi cũng không xong bởi tiền mua thức ăn cho heo quá nặng.
Tương tự, ông Lê Văn Hưởng, chủ trại heo hơn 2.000 con ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do việc bán heo không được mau lẹ như trước. Đã vậy ông còn phải tốn thêm tiền tiêu độc khử trùng 1,5 triệu đồng/ngày trong khi trước đây chỉ khoảng 250.000 đồng/ngày.
Quảng Trị qua 21 ngày không có thêm heo mắc dịch Chiều 9-8, bệnh heo tai xanh đã lan ra 17 tỉnh, thành trong cả nước. 17 tỉnh, thành đã công bố có dịch heo tai xanh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Dăk Lăk và Hậu Giang. Còn TP.HCM và TP Cần Thơ cũng đã phát hiện heo bị nhiễm bệnh tai xanh nhưng chưa công bố dịch. Ngày 9-8, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố dịch bệnh heo tai xanh xảy ra tại phường Phú Đức, thị xã Bình Long. Đến nay đã có 3/10 huyện, thị trong tỉnh có heo bị tai xanh. Số heo bị bệnh gần 500 con, số heo chết hơn 70 con, đã tiến hành tiêu hủy gần 100 con. Những hộ có heo bị tiêu hủy sẽ được tỉnh hỗ trợ 70% giá trị con heo (theo giá hiện hành). Cùng ngày, Cục Thú y cho biếtdịch tai xanh tiếp tục phát sinh thêm ở tỉnh Tiền Giang tại hai xã mới là Mỹ Trung (huyện Cái Bè) và Bình Đông (thị xã Gò Công). Từ cuối tháng 6 đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra tại trên 120 xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Tiền Giang. Tổng số heo mắc bệnh lên đến trên 28.000 con, trong đó có gần 14.000 con bị chết và tiêu hủy. Cũng trong ngày 9-8, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho biết đã qua 21 ngày tỉnh không có thêm heo mắc dịch tai xanh. Hiện cả nước còn 16 tỉnh, thành có dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày. THANH TRÚC - TRẦN ĐẠI |
TRẦN NGỌC