ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH HEO TAI XANH - BÀI 3:

Phòng dịch là chính

Mới đây, bệnh heo tai xanh xuất hiện ở hai phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM), buộc cơ quan thú y tiêu hủy trên 190 con khiến không ít người chăn nuôi lo lắng, đổ xô mua vaccine phòng bệnh về tiêm.

Vaccine hiệu quả thấp

Ông Đ., chủ một cửa hàng bán thuốc thú y ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12), cho biết vài ngày gần đây nhiều người đến hỏi mua vaccine phòng bệnh heo tai xanh. Mặc dù ông Đ. giải thích loại vaccine này phải được tiêm khi heo còn nhỏ nhưng người chăn nuôi vẫn nằng nặc đòi mua.

Cửa hàng bán thuốc thú y của ông H. (xã Bà Điểm, Hóc Môn) gần một tuần nay có rất đông khách đến hỏi mua vaccine phòng bệnh tai xanh về tiêm. Có người mua cùng lúc 30 lọ (300 liều) dù ông H. nói rõ hiệu quả không cao.

Đặc điểm chung của bốn loại vaccine đang được lưu hành tại Việt Nam là sau khi tiêm phòng, heo vẫn có thể bị nhiễm virus gây bệnh tai xanh và phát bệnh lâm sàng.

Phòng dịch là chính ảnh 1

Chuồng trại vệ sinh là một trong những cách phòng bệnh heo tai xanh hiệu quả. Một trại heo sạch đẹp, vệ sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, khuyến cáo: “Vaccine phòng bệnh tai xanh có giá thành cao nhưng hiệu quả phòng bệnh không cao. Do đó các địa phương nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định áp dụng biện pháp tiêm vaccine để phòng bệnh tai xanh trên heo”. Ông Năm nhấn mạnh Cục Thú y khuyến khích người nuôi lấy phương châm phòng dịch là chính. Các biện pháp phòng dịch tai xanh hiệu quả là: giữ chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông; áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêm các loại vaccine phòng bệnh nguy hiểm ở heo…

Tương tự, ông Huỳnh Tấn Phát, Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Thú y TP.HCM, cho hay Cục Thú y ghi nhận sau khi tiêm vaccine phòng bệnh tai xanh thì hiệu quả miễn dịch thấp. Ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, nhận định dù hiệu quả phòng bệnh của vaccine không cao nhưng khi heo mới phát bệnh vẫn có thể điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh, thuốc trợ lực, thuốc hạ sốt kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng tốt… Sau 10 ngày, nếu heo khỏi bệnh sẽ tăng trọng bình thường. Riêng heo nái, sau khi khỏi bệnh sẽ tăng sức đề kháng, tự miễn dịch trong thời gian khá dài, con sinh ra vẫn khỏe mạnh.

Nên tiêm phòng các bệnh khác

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y, cảnh báo rằng việc người dân nuôi heo tập trung rất nguy hiểm nếu không tiêm phòng. Việc tiêm phòng các bệnh khác như tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu… sẽ hạn chế phát sinh, lây lan dịch tai xanh. Nếu heo được tiêm phòng đầy đủ thì khi trong vùng có dịch tai xanh, mức độ lây lan cũng sẽ không trầm trọng. Các bệnh khác kết hợp với tai xanh sẽ làm cho dịch trầm trọng hơn và khi heo nhiễm bệnh tai xanh, khả năng điều trị các bệnh khác cũng kém hiệu quả.

Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần vệ sinh tiêu độc chuồng trại và khu vực có nguy cơ. Không nên vội vã tái đàn trước khi có lệnh công bố hết dịch ở địa phương. Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc tiêm vaccine các bệnh nguy hiểm ở heo như lở mồm long móng, tả, tụ huyết trùng… Cục Thú y cũng nhấn mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tránh gây hoang mang, lo lắng khiến người dân bán vội đàn heo, tẩy chay thịt heo cũng như không gây tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

TP.HCM chi trên 7 tỉ đồng phòng chống dịch tai xanh

Ngày 11-8, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT TP.HCM, cho biết UBND TP chấp thuận phê duyệt kinh phí phòng chống dịch heo tai xanh, kể cả kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh cho người chăn nuôi. Chi cục Thú y TP được cấp trên 377 triệu đồng. Quận 12, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh được cấp tổng cộng trên 6,676 tỉ đồng. Ông Trung quả quyết TP sẽ có những biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại tối đa cho người chăn nuôi. Tại TP.HCM, nếu nghi ngờ heo nhiễm bệnh tai xanh hoặc phát hiện heo chết, người chăn nuôi phải báo ngay cho trạm thú y địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng của Chi cục Thú y TP.HCM (08.39551.361) để được hướng dẫn.

TRẦN NGỌC

19 tỉnh, thành có dịch heo tai xanh

(PL)- Chiều 11-8, Cục Thú y cho biết đã có thêm hai tỉnh là Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu có dịch tai xanh, nâng tổng số địa phương bị dịch tai xanh lên 19. Tại Tây Ninh, dịch bệnh xảy ra ở 22 xã thuộc bốn huyện là Tân Biên, Gò Dầu, Bến Cầu và Tân Châu. Tổng cộng có gần 4.800 con heo mắc dịch, tiêu hủy và chết trên 600 con. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu có 235 con heo mắc dịch tai xanh, trong đó heo chết và tiêu hủy là 35 con tại huyện Châu Đức, thị xã Bà Rịa và TP Vũng Tàu.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Lâm Đồng, tỉnh đã có 11/12 xã, thị trấn của huyện Cát Tiên mắc bệnh tai xanh từ ngày 27-7 đến 9-8. Tổng số heo mắc bệnh là gần 3.000 con, toàn bộ số heo này đã chết và tiêu hủy. Trong ngày, dịch tai xanh tiếp tục lây lan trong các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Bình Dương và Dăk Lăk.

VŨ TRẦN – NĐ

TRẦN NGỌC - TRẦN ĐẠI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm