Trong ngày làm việc thứ ba (2-12), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tập trung xét hỏi làm rõ về hành vi trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).
“Chỉ làm theo chỉ dẫn của chồng”
Với cáo buộc trốn thuế, bầu Kiên bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án sáu năm sáu tháng tù. Tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B (do bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên ký) với em gái bầu Kiên (bà Nguyễn Thúy Hương) là không hợp pháp. Hợp đồng này chỉ là hình thức nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh giá vàng theo hợp đồng ủy thác với Ngân hàng ACB của B&B cho cá nhân bà Hương.
Cũng theo bản án sơ thẩm, trong cùng ngày 25-12-2008, bà Lan đã ký liên tiếp ba văn bản: Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ giữa Công ty B&B và bà Hương; phụ lục hợp đồng về việc bà Hương đồng ý để B&B ủy thác lại cho bên thứ ba và hợp đồng giữa B&B và Ngân hàng ACB.
“Với một người có đầy đủ nhận thức, tôi không thể nói tôi không hiểu rằng đã ký thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi mong HĐXX hiểu cho, tôi đã ký với tư cách của một người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng. Tôi nghĩ tôi không thể nào nói rằng… anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi. Vì đó là chồng tôi” - bà Lan bật khóc.
“Tôi nghĩ tôi không thể nào nói rằng… anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi” - bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, nói trước tòa. Ảnh: ĐỨC MINH
Tòa hỏi: “Anh Kiên là chồng nên bà không thể nói anh Kiên phải chịu trách nhiệm. Nhưng như vậy có thể xác định mình cũng là đồng phạm, cũng phải chịu trách nhiệm không?”. Bà Lan: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày phải nghe mình là đồng phạm với chồng. Trong suy nghĩ của tôi, tôi luôn nghĩ mình và chồng không làm sai gì cả. Tôi hành động trên tư tưởng và một lòng tin như thế…
Dù vậy, tôi nghĩ HĐXX có thể hiểu và xem xét trách nhiệm của tôi, là phụ nữ suốt thời gian dài ở nhà sinh con, chăm con và chỉ thực hiện một số công việc theo chỉ dẫn của chồng”.
Bà Lan sau đó cũng chia sẻ: “Hai năm vừa rồi là thời gian kinh khủng với gia đình tôi. Ba con còn rất nhỏ... Các công ty, trong đó có sáu công ty mà anh Kiên chịu trách nhiệm, có rất nhiều cổ đông nhưng mọi người quá sợ hãi và rời bỏ công ty. Không ai hỗ trợ hoạt động kinh doanh, và tôi - người chưa bao giờ phải làm gì cả, chưa bao giờ phải kinh doanh gì cả - đã phải chịu trách nhiệm về những công việc đó…”.
Hòa Phát không còn thiệt hại
Buổi chiều, HĐXX chuyển qua thẩm vấn về tội lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, tội danh khiến bầu Kiên phải chịu mức án 20 năm tù.
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) khai tại tòa: Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đa ngành trong đó có thép và bất động sản (BĐS). “Chúng tôi có cổ phần tại Công ty Cổ phần BĐS Thép Hòa Phát Á Châu. Anh Kiên và ACBI có cổ phần tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát. Theo chủ trương của HĐQT muốn tập trung lại về ngành thép, tôi đề nghị anh Kiên tôi muốn mua lại cổ phần thép của anh Kiên và bán cổ phần BĐS, thực chất là rút tiền đầu tư khỏi BĐS” - ông Long khai.
Tòa hỏi ông Kiều Chí Công (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát), người ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần với ACBI. Ông Công khẳng định không phải là người trực tiếp đàm phán hợp đồng mà đây là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn. Ông Công cũng khẳng định không biết 20 triệu cổ phần này đang bị thế chấp tại ACB, làm nghĩa vụ bảo đảm cho khoản trái phiếu 800 tỉ đồng do Công ty ACBI phát hành.
Tòa xét hỏi những người có liên quan nhằm làm rõ việc tại sao ông Mai Văn Hà (Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát - một công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) đã ký xác nhận đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần nói trên mà lãnh đạo tập đoàn nói không biết việc này. “Thời điểm đó tôi làm phó giám đốc công ty. Giám đốc đi vắng, tôi được ủy quyền ký giấy xác nhận đề nghị phong tỏa… Tôi có sơ suất là không lưu, không báo cáo. Tôi quên mất... Tôi đã phải làm văn bản giải trình nhận lỗi đối với ban lãnh đạo tập đoàn” - ông Mai Văn Hà cho biết.
“Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhận được số tiền vì việc mua bán không thành. Đến năm 2013, chúng tôi đã mua được số cổ phiếu đó. Chúng tôi xác nhận đến thời điểm này chúng tôi không còn thiệt hại nữa” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương nói.
Bầu Kiên dạy em gái kinh doanh Tòa sau đó cũng hỏi bà Nguyễn Thúy Hương, em gái bầu Kiên. Bà Hương khai kết quả thực hiện hợp đồng với B&B, bà được chia lãi lần đầu 68 tỉ đồng; lần hai B&B báo cáo có một khoản lãi 31 tỉ đồng nhưng lỗ tiềm năng hàng trăm tỉ đồng nên không phân chia lãi; lần ba ghi nhận lỗ 400 tỉ đồng, bà đã chuyển trả cho công ty 90 tỉ đồng. Bầu Kiên cho rằng thời điểm 25-12-2008, bị cáo đồng ý cho em gái ký hợp đồng với Công ty B&B để đầu tư vàng, với mục đích cho em có cơ hội đầu tư và cũng là dạy em kinh doanh. Việc ký hợp đồng này là hoàn toàn hợp pháp, đúng pháp luật. “Trước khi em gái tôi ký hợp đồng với B&B, hoạt động này đã có từ năm 2005, do tôi trực tiếp thực hiện tại ACB (thời điểm tôi là phó chủ tịch HĐQT ACB). ACB có 33.000 khách hàng ký hợp đồng với ACB. Sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau, không có bất kỳ một cơ quan nào nói rằng các cá nhân không được ký hợp đồng đầu tư vàng với các ngân hàng” - bầu Kiên cho biết. |