Trong tuần, những bài viết “Phải cho công dân đổi tên nếu quá dài gây rắc rối!”, “Người có tên quá dài gây rắc rối được đổi tên” nhận được nhiều bình luận của bạn đọc. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng cách giải quyết của cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Luật có quy định về việc đổi tên nhưng còn quá chung chung, cần có quy định cụ thể hơn để cán bộ mạnh dạn giải quyết cho dân.
Cán bộ làm việc nên vì dân hơn
Ngày 27-9, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương gửi hồ sơ đến UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi tên với lý do là tên dài. Cán bộ có hướng dẫn chị làm bản cam kết chịu trách nhiệm về việc xin đổi tên. Trong bản cam kết (gửi kèm theo đơn), chị Phương viết: Từ trước đến nay chị đang sử dụng tên là Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương. Tuy nhiên, tên của chị dài nên trong một số thủ tục hồ sơ việc ghi tên rất bất tiện, có nhiều khó khăn và cũng như bị bạn bè chọc ghẹo. Chị Phương muốn đổi thành Nguyễn Thị Kim Phương.
Ngày 3-10, UBND huyện có văn bản trả lời từ chối vì không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Đến ngày 31-10, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương cho biết UBND huyện Nhơn Trạch đã mời chị đến làm việc và cho làm thủ tục đổi tên theo yêu cầu.
Bạn đọc Hoàng Hà bình luận: “Việc đổi tên cho chị Phương là đúng quy định của pháp luật vì đây là nhu cầu chính đáng của chị. Hơn nữa, chị đã trình bày là trong quá trình sử dụng cái tên đã ảnh hưởng đến chị như thế nào. Trong trường hợp này, cán bộ thụ lý không nên quá cứng nhắc”.
“Công chức, cán bộ tiếp dân là bộ mặt của chính quyền địa phương nên thái độ, cách ứng xử phải linh hoạt và luôn được coi trọng. Tư tưởng lấy dân làm gốc thì cán bộ phải nằm lòng, nên thực hiện những gì có lợi cho dân, cho nước” - bạn đọc Văn Dũng ý kiến.
Theo bạn đọc Hà Vân, tiêu chí hàng đầu của cán bộ, công chức nhà nước là vì dân phục vụ , dù biết rằng luật quy định hay quy trình như thế nào thì cốt lõi cũng luôn hướng đến tạo sự thuận lợi nhất cho người dân. Nếu không ảnh hưởng đến chính trị, phạm pháp nghiêm trọng thì việc thay tên đổi họ cũng không phải là chuyện quá lớn đến nỗi không thể giải quyết.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Phải dẹp loạn phòng khám bất lương
Bài viết “Moi tiền bệnh nhân ngay trên bàn mổ” cũng nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc.
Ngày 23-10, anh VHT đưa bạn gái tới Phòng khám đa khoa Đại Việt (quận 11, TP.HCM) để tư vấn phá thai. Phòng khám xác định thai nhi của bạn gái anh đã 16 tuần tuổi. Phòng khám đưa ra ba gói tiền: 5,8 triệu đồng gây đau; 19,8 triệu đồng giảm đau; 29,8 triệu đồng không đau và cộng thêm 3 triệu đồng tiền xét nghiệm, thuốc. Anh T. chọn 5,8 triệu đồng.
Ngày 25-10, anh T. đưa bạn gái tới phòng khám để thực hiện phá thai. Trong quá trình phá thai, phòng khám đã đưa ra nhiều lý do khác nhau để thu đến 31 triệu đồng.
Bạn đọc Tâm Nguyễn bình luận trong môi trường làm việc ngành y, tiêu chí “lương y như từ mẫu” luôn được coi trọng, đưa lên hàng đầu nên không thể chấp nhận kiểu hành xử như thế. Những phòng khám kiểu này cần thanh tra, kiểm tra và đình chỉ hoạt động gấp.
“Để chấn chỉnh tình trạng này, thiết nghĩ phải có biện pháp chế tài mạnh. Thứ nhất, thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa phòng khám vĩnh viễn. Thứ hai, tước giấy phép hành nghề của bác sĩ vi phạm. Chứ kiểu phạt rồi cho hoạt động thì không thể trị được tình trạng này” - bạn đọc Dương Tuấn ý kiến.
Bạn đọc Tâm Võ nêu câu hỏi tại sao các bác sĩ Trung Quốc dễ dàng núp bóng hoạt động khám chữa bệnh như vậy? Chỉ đến khi người dân phản ánh, báo chí lên tiếng thì các ngành chức năng mới biết. Khám chữa bệnh kiểu này chỉ gây hại, làm tiền người bệnh mà thôi. Ngành chức năng cần nhanh chóng dẹp loạn những phòng khám bất lương này.
Bài học nhãn tiền cho ai muốn đi XKLĐ bất hợp pháp Sau thảm kịch 39 lao động bị chết tại Anh, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn”, bài viết cũng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Theo đó, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã phát đi cảnh báo về tình hình di cư bất hợp pháp, kêu gọi di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng. Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam (VN) Chang-Hee Lee cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề. • Để thay đổi cuộc sống, đã có rất nhiều người phải bán cả tài sản để đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thế nhưng có nhiều người rơi vào cảnh tiền mất tật mang bởi gặp những công ty lừa đảo. Giờ muốn đi nước ngoài làm việc một cách chân chính cũng khó. Minh Tâm • Người dân rất cần những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể từ phía các cơ quan chức năng để việc đi XKLĐ hợp pháp và dễ dàng hơn. Thái Hòa • Vụ 39 nạn nhân chết ở Anh quá là đau lòng. Vì cuộc sống mưu sinh mà phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người. Đây là một bài học nhãn tiền cho những ai đang có ý định đi XKLĐ không hợp pháp. Minh Hùng |