Ngày 7-5, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, phức tạp.
Nhiều vụ xuất phát từ… oan
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết những năm gần đây, tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp đang có nhiều phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh trật tự.
Một trong những nguyên nhân là do cơ chế, chính sách có bất cập, một số cơ sở còn nhiều hạn chế, trong đó có phần trách nhiệm của cán bộ. Nếu chính quyền các cấp ở địa phương giải quyết tốt sẽ giảm được tối đa việc người khiếu kiện vượt cấp, kéo lên trung ương.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng rất nhiều vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài xuất phát từ chính nỗi oan của người dân. Thực tế, nhiều quyết định sửa sai đúng đắn đã được đưa ra, thời gian tới cần tiếp tục hơn nữa để giải nỗi oan ức cho dân.
Ông Thanh lấy ví dụ trong lĩnh vực đất đai, kể cả khi có quyết định thu hồi đúng nhưng nếu người dân không đồng thuận, cơ quan chức năng phải đặt câu hỏi đời sống người dân có tốt hơn sau khi thu hồi không, bởi đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất đã không còn.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm phải lấy pháp luật là căn cứ để giải quyết nhưng phương pháp thì phải lấy ổn định cuộc sống của người dân bị thu hồi đất làm trọng tâm.
“Mặc dù đôi khi người đi khiếu nại, tố cáo có những lời lẽ xúc phạm nhưng họ đều là đồng bào của chúng ta, phải nhìn dưới góc độ như vậy mới tìm được giải pháp giải quyết triệt để vấn đề” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, sau khi bị thu hồi đất, nhiều người khiếu kiện có cuộc sống khó khăn về nơi ở, việc làm, tâm lý bất an, dễ bùng nổ khi bị kích động. Hơn thế, họ dễ dàng nhận thấy đất của mình bị thu hồi mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, càng cảm thấy bất công.
Yếu tố “giọt nước tràn ly” nữa là việc chính quyền địa phương có nhiều sai phạm về đất đai. Đơn cử như vụ việc ở Đồng Tâm, một nhóm nhỏ người có lợi ích liên quan đã dễ dàng kích động bà con vì hàng chục năm nay trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã có quá nhiều sai phạm về đất đai.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người dân chưa hiểu biết về pháp luật. Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Đồng Tâm, nhận được 10 câu hỏi của nhóm bà con không đồng thuận, trong đó có những câu chất vấn nếu là đất quốc phòng thì tại sao Hà Nội lại ký hợp đồng hợp tác với Viettel - một tập đoàn kinh doanh. Câu hỏi này cho thấy công tác tuyên truyền không tốt, bởi thực tế không có hợp đồng hợp tác nào, Viettel cũng không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh doanh nhưng cơ quan chức năng đã không giải thích để người dân hiểu rõ.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh tại hội nghị. Ảnh: TP
Anh sai nên khó… cho em
Đề xuất phương án giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định trước tiên cơ quan giải quyết khiếu nại phải kiểm tra lại toàn bộ quá trình đã làm, tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cuối cùng cân nhắc một lần nữa có thể làm gì trong khuôn khổ trách nhiệm, quyền lực của mình.
“Không thể lý sự cứng là tôi đã làm đúng, đã làm hết thẩm quyền, như vậy là không đủ. Việc đối thoại cũng tránh mang tính hình thức, đối thoại cho xong, cho có biên bản để cấp trên xem khi về kiểm tra” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Thanh yêu cầu ngành thanh tra khi giải quyết khiếu nại phải có tinh thần cầu thị, luôn giả định tình huống có thể xảy ra sai sót, không nên tiếp cận với tâm thế “ta luôn đúng”.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp “tế nhị” trong việc sửa sai. Ông dẫn chứng một trường hợp ra quyết định có dấu hiệu sai nhưng hiện là lãnh đạo cấp cao nên “rất khó cho anh em”. Khi làm việc, các cán bộ dù công nhận đó là sai nhưng khi được hỏi giải quyết ra sao thì “lại cứ ấp úng”.
“Cái sai là của người thân, hoặc khi sửa sai sẽ xảy ra tình huống tiêu cực… đều là những điều hết sức tế nhị. Trường hợp này buộc phải khách quan, đặt lợi ích của người khiếu nại cũng như đảm bảo an ninh trật tự lên trên hết” - ông Thanh nói.
Đừng nghe rồi để đó
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng đề cập tới vấn đề cần phát huy vai trò của các tổ chức khác trong việc giải quyết khiếu nại của người dân, trong đó có Liên đoàn Luật sư.
Thực tế, Thanh tra Chính phủ từng nhiều lần phối hợp với Liên đoàn Luật sư, luật sư để tiếp công dân, khi có ý kiến của họ, người dân sẽ tin tưởng hơn. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương còn e ngại việc này…
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng phải đặt mình vào vị trí người bị thu hồi đất để xem có thiệt thòi gì không. Thu hồi đất cũng có nghĩa là thu hồi tư liệu sản xuất, đó không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là công việc, là cuộc sống; không chỉ bồi thường tiền, bố trí một lô đất tái định cư là xong.
“Phải áp dụng thỏa đáng cho người dân nhưng cũng không xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước hoặc doanh nghiệp” - ông Đương nêu quan điểm.
Vị này cũng cho rằng sắp tới đây, những vụ việc nào có kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì địa phương phải thực hiện; tránh tình trạng tại hội nghị nghe và nhất trí cao nhưng rồi để đó, không thực hiện.
Sớm giải quyết các vụ việc tồn đọng Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng đã lên danh sách 35 vụ việc phức tạp, kéo dài mà tổ công tác của Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết. Cạnh đó, có 221 vụ việc ở 63 tỉnh/TP tổ công tác sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, giải quyết triệt để. Tới đây, tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm tổ trưởng sẽ làm việc trực tiếp với khoảng 26 tỉnh/TP có nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự. Gần nhất là ngày 10-5, Phó Thủ tướng sẽ làm việc với Hà Nội, rồi triển khai ở các địa phương khác. |