Theo bà N., nhà bà và nhà ông T. ở cạnh nhau tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). Cây dừa do cha bà trồng đã lâu trên phần đất giáp ranh với nhà ông T. Càng lên cao ngọn dừa càng ngả sang nhà ông T. nên ông có sang nhà yêu cầu bà chặt cây. Bà chưa đồng ý. Đầu năm 2013, trong lúc bà đi vắng, ông T. đã thuê người đến cưa cây. Do ông T. tự ý đốn cây, xâm phạm đến tài sản của bà nên bà yêu cầu ông phải bồi thường 2 triệu đồng.
Xử sơ thẩm hồi đầu năm 2014, TAND huyện Phong Điền cho rằng tuy bà N. có thiệt hại là cây dừa bị đốn nhưng ông T. không có lỗi. Người bị thiệt hại là nguyên đơn có lỗi toàn bộ nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của phía này. Không đồng ý, bà N. kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16-4, lúc đầu ông T. không chấp nhận bồi thường cho bà N. vì cho rằng cây dừa nghiêng qua đất mình, nếu dừa rụng trái sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người trong nhà. Mặt khác, ông nhiều lần báo chính quyền về việc yêu cầu bà N. đốn cây dừa nhưng bà không đốn nên ông mới làm.
Phần mình, bà N. nhất quyết đòi bồi thường 2 triệu đồng vì cây dừa trồng trên đất bà, nó có nghiêng qua đất ông T. nhưng không ảnh hưởng gì.
Tòa phải nhiều lần giải thích rằng trong vụ này cả hai bên cùng có lỗi. Phía ông T. đã tự ý chặt cây dừa của bà N. mà không báo cho chính quyền cũng như không có biên bản thể hiện việc ông đã thông báo nhiều lần mà bà N. không đốn cây. Mặt khác, ông T. có quyền kiện yêu cầu bà N. đốn cây dừa theo quy định pháp luật nhưng ông không làm. Ngoài ra, trường hợp này giá trị cây dừa không cao chứ nếu giá trị đủ 2 triệu đồng thì ông T. có thể bị truy cứu về tội hủy hoại tài sản của người khác. Còn bà N. trồng cây dù trên đất mình nhưng ngọn cây đã nghiêng qua đất ông T., nếu trái rụng có thể nguy hiểm cho người nhà ông T.
Từ đó, tòa vận động ông T. nên chấp nhận bồi thường giá trị cây dừa theo giá bồi thường của Nhà nước là 300.000 đồng/cây đang cho trái. Bà N. cho rằng bồi thường thấp vậy tội nghiệp cho bà vì cây dừa do cha bà để lại, tiền án phí hai cấp tòa bà đã đóng hết 400.000 đồng, ngoài ra còn tiền bà đi lại khi tòa triệu tập nên bà không đồng ý… Ông T. thì bảo đồng ý bồi thường 300.000 đồng nhưng phải trừ cho ông 100.000 đồng tiền công thuê người đốn cây! Thấy hai bên là chị em họ hàng, người chị thì già cả, người em thì trẻ, khỏe nên tòa bảo nếu ông T. đồng ý thì trong bản án tòa ghi nhận thỏa thuận còn không thì tòa buộc ông phải bồi thường. Cuối cùng, ông T. mới nói: “Thôi, vậy đi!”.
Cuối buổi, TAND TP Cần Thơ đã chấp nhận một phần kháng cáo của bà N., sửa án sơ thẩm, ghi nhận thỏa thuận ông T. bồi thường cho bà N. 300.000 đồng. Tòa cho rằng khi đốn dừa, ông T. đã không nhờ chính quyền lập biên bản. Tuy ngọn dừa có ngả sang nhà ông T. nhưng gia đình ông chưa có ai bị thiệt hại do dừa rụng. Đồng thời, theo quy định, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng trong trường hợp này chưa thể coi là tình thế cấp thiết. Do đó, tòa sơ thẩm bác yêu cầu của bà N. là không đúng.
Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường Theo Điều 614 BLDS, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tình thế cấp thiết được hiểu là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn. Cũng theo điều luật, trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trở lại vụ việc, tôi đồng tình với quan điểm của tòa trong trường hợp này chưa thể coi là tình thế cấp thiết, dừa cũng chưa rụng gây ra thiệt hại nên ông T. phải bồi thường cho bà N. vì tự ý chặt cây. Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI,Đoàn Luật sư TP.HCM |