Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, tuần qua (từ 22-4 đến 27-4-2024) xuất hiện các hình thức về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.
PLO thông tin tới bạn đọc những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến
Cảnh báo lừa đảo dịp lễ 30-4 và 1-5
Theo Cục An toàn thông tin, kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 được kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng.
Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt các chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.
Một, đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hoá đơn thanh toán cùng con dấu của công ty. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Hai, đối tượng chạy quảng cáo những bài đăng với nội dung bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (30 - 50% giá trị).
Sau khi đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tài sản.
Ba, đối tượng dẫn dụ nạn nhân bằng chiêu trò đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.
Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, đối tượng lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Bốn, mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo lập những website/fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng.
Năm, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê,... dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt. Một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi ga đến… nên không có giá trị đi tàu.
Lừa đảo, chiếm đoạt bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng…
Thời gian gần đây, một số nhà hàng và dịch vụ nấu ăn trên địa bàn thành phố bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng…
Hàng loạt các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng A.L.B trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đặt tiệc tiếp khách. Sau khi thống nhất các món ăn, “khách hàng” yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng và đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc.
Sau khi được nhân viên nhà hàng liên hệ, nhận báo giá của cửa hàng rồi thông báo lại cho “khách hàng”. Đồng thời bảo “khách hàng”, chốt đặt đơn hàng, nhân viên nhà hàng đề nghị đối tượng chuyển tiền để nhà hàng mua rượu và hồng sâm, tuy nhiên, đến gần thời gian đặt tiệc, đối tượng lại gửi biên lai hóa đơn giả.
Dù chưa nhận được tiền nhưng do tin tưởng, nhà hàng chuyển số tiền đặt hàng cho phía cửa hàng bán rượu và hồng sâm.
Tuy nhiên sau đó, chẳng có khách nào đến nhà hàng dự tiệc, rượu và hồng sâm đặt giúp cũng không ai mang đến. Trong khi đó, qua kiểm tra, phát hiện “khách vip” cũng như đại diện cửa hàng hồng sâm đã chặn tin nhắn của nhà hàng và xóa kết bạn.
Cảnh báo lừa đảo bằng công nghệ Deepfake
Deepfake đã trở thành mối đe dọa đối với không gian mạng tại Việt Nam, nơi tội phạm mạng thường sử dụng các cuộc gọi video Deepfake để mạo danh một cá nhân và vay mượn người thân, bạn bè của họ những khoản tiền lớn cho những trường hợp cấp bách.
Đối tượng làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Giả danh người của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng lòng tin của người dân vào chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế (BHXH, BHYT), một số đối tượng đã giả danh là người của cơ quan BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân khi làm các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT.
Một trong những trường hợp bị lừa đảo hình thức trên, anh N.T.T - trú tại phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM) về việc truy cập mạng xã hội và bị đối tượng mạo danh là nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy bỏ sổ BHXH.
Theo phản ánh của anh T, anh đã cho em trai mượn hồ sơ nhân thân của mình để đóng BHXH. Sau đó, anh T. truy cập mạng xã hội Facebook và nhắn tin thông qua Messenger tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh (hiện đối tượng này đã khóa tài khoản) – đối tượng này mạo danh là nhân viên BHXH hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm.
Qua trao đổi, tài khoản Facebook Phạm Ngọc Anh nhận giải quyết được cho anh T. và yêu cầu phí là 900.000 đồng. Cả tin, anh T. đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD và sổ BHXH.
Đối tượng lừa đảo đã gửi cho anh T. hình ảnh tiếp nhận hồ sơ, có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận của người có tên Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam (đây là tên mạo danh, BHXH Việt Nam không có chức danh này).
Tin tưởng, anh T. đã chuyển tiền 2 lần vào tài khoản của đối tượng và sau đó, anh T. nhắn tin hỏi kết quả, thì đối tượng đã khóa tài khoản, lúc này anh T. mới tìm đến Fanpage BHXH Việt Nam nhắn tin trao đổi thì biết mình bị lừa.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tất cả các dịch vụ mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí.
Mượn danh quyên góp từ thiện, chiếm đoạt tiền
Chiều 24-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Đình Hải (26 tuổi, trú phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng), Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản như: Một Lòng Hướng Phật - Ni Sư Chức Từ, Phật Pháp Nhiệm Màu - Ni Sư Nhân Độ, Ni sư Tâm Phúc, Phật Pháp Nhiệm Mầu - Ni Sư Tâm Hạ…
Tài khoản này thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương (tai nạn, bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi cha, mẹ…), kèm theo là các bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện vào nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân.
Tại cơ quan công an, cùng với các tài liệu, dữ liệu điện tử thu thập được, Lê Đình Hải thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của mình. Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng Công an thu giữ nhiều tài liệu chứng minh hành vi phạm tội.