Cảnh báo thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo

(PLO)- Các đối tượng giả mạo Học viện An ninh nhân dân thông báo hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong tuần (từ 15-4 đến 21-4-2024) xuất hiện các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

Thuê, mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo

Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi.

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường Cao Đẳng, Đại Học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.

lừa đảo
Các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Cục ATTT.

Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin, trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc sẽ bị xử lý về "Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, lừa bán ô tô cũ

Ngày 15-4, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn (cùng sinh năm 1993, trú tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, sử dụng hình ảnh các xe ô tô cũ trên mạng để đăng quảng cáo bán với giá rẻ lừa tiền đặt cọc.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Lộc Bình phát hiện từ khoảng tháng 11-2023, trên mạng xã hội Facebook có tài khoản Lô Quyết Tiến, hình nền là ảnh CTY ô tô Quyết Tiến, có địa chỉ số 29, TDP số 1, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, số điện thoại liên hệ 0911.731.129, chuyên mua bán trao đổi ô tô đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, thực tế tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình không có salon ô tô nào có tên và địa chỉ như trên. Trên tài khoản facebook Lô Quyết Tiến đăng tải nhiều bài viết, video quảng cáo bán các loại xe ô tô cũ với giá thành rẻ hơn thị trường rất nhiều. Công an huyện Lộc Bình đã tiến hành các biện pháp xác minh, làm rõ.

cuc-an-toan-thong-tin-canh-bao-thu-doan-ho-tro-lay-lai-tien-bi-lua-dao-3.jpg
Hai đối tượng đã khai nhận cùng nhau thực hiện hành vi lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Tiếp cận, trao đổi với một số tài khoản Facebook đều xác nhận được liên lạc, trao đổi với chủ tài khoản Lô Quyết Tiến bằng tài khoản Zalo của số điện thoại 0911.731.129 và chuyển tiền đặt cọc mua xe ô tô từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng có tên Lô Quyết Tiến rồi bị chiếm đoạt.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng đã khai nhận cùng nhau thực hiện hành vi lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả hai đối tượng đều có trình độ đại học nên đã tạo ra nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội như sử dụng Facebook ảo mang tên người khác.

Dùng công nghệ tạo hình ảnh một salon ô tô không có thật tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để làm hình nền tài khoản Facebook; sử dụng hình ảnh các xe ô tô cũ trên mạng để đăng quảng cáo bán với giá rẻ; sử dụng số điện thoại và tài khoản ngân hàng đứng tên của người khác để nhận tiền đặt cọc.

Sau khi chiếm đoạt được tiền của bị hại, các đối tượng đổi sang tiền mặt tại các cửa hàng kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Tính đến thời điểm bị bắt giữ, số người bị các đối tượng lừa đảo lên đến gần 100 người trên địa bàn cả nước và số tiền bị chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng. Cương và Văn đã chia nhau số tiền chiếm đoạt được tiêu xài cá nhân.

Bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi bán hàng online

Ngày 18-4, Công an TP Hà Nội cho biết, vừa qua một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử Carousel có đường link www.carousell888.com.

Cụ thể, anh N. (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn kết bạn từ một tài khoản Facebook nữ giới. Sau khi trò chuyện, người này mời anh N. cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên website www.carousell888.com.

Website có giao diện, tên miền giả mạo trang Thương mại điện tử Carousell của Singapore (www.carousell.sg) với các gian hàng đủ các loại sản phẩm.

cuc-an-toan-thong-tin-canh-bao-thu-doan-ho-tro-lay-lai-tien-bi-lua-dao-2.jpg
Website có giao diện, tên miền giả mạo. Ảnh: Cục ATTT.

Anh N. được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị từ 1-10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N. vẫn có thể rút tiền ra được.

Tuy nhiên, sau đó các đơn hàng có giá trị và số lượng lớn hơn rất nhiều. Khi số tiền đạt đến con số hàng tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được, đối tượng sẽ móc nối nhau đưa các lý do cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… với mục đích để nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền thì mới rút ra được.

Cảnh báo giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

Cục An toàn thông tin cho biết, thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng dựa trên hình ảnh của Học viện An ninh nhân dân để gây dựng niềm tin với các nạn nhân bị lừa.

cuc-an-toan-thong-tin-canh-bao-thu-doan-ho-tro-lay-lai-tien-bi-lua-dao.jpg
Mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Sau đó, các đối tượng sử dụng hình ảnh của Học viện An ninh nhân dân và thông báo hỗ trợ các nạn nhân nhận lại tiền bị lừa.

Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội nhờ các đối tượng giả danh Học viện An ninh nhân dân để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống.

Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm