Theo Nikkei, chỉ số Quản trị Sức mua (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống 51,4 điểm (so với 52,6 điểm trong tháng 7), là mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Mức tăng trưởng thấp hơn do sự chững lại của sản lượng và đơn hàng mới khi căng thăng thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu.
Dù vậy, PMI của Việt Nam vẫn duy trì trên mốc 50 điểm, mốc báo hiệu tăng trưởng của ngành sản xuất (tháng thứ 45 liên tiếp duy trì trên mốc này) và cao hơn đáng kể so với chỉ số PMI của khu vực ASEAN chỉ đạt 48,9 điểm trong tháng 8.
Ngoài ra, theo IHS Markit, dữ liệu trước đây cho thấy PMI của Việt Nam luôn phục hồi trở lại ở các tháng sau đó sau khi giảm mạnh như trong tháng 8.
Theo thống kê Tổng cục Hải quan, so với tháng 7, xuất khẩu trong tháng 8 có mức tăng khá ở mức 7,3% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm nhẹ 0,6%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng lũy kế của xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay hiện vẫn thấp hơn đáng kể, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2018 (7,3% so với 14,5%).
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng so với tháng trước là: than đá tăng 103,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%; đá quý, kim loại quý tăng 3,9%.
Đáng lưu ý, mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong tháng là điện thoại và linh kiện (tăng 37,8%, đạt 5,5 tỉ USD), chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới Galaxy Note 10.
Một số mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng cao là: Điện tử, máy tính, linh kiện (tăng 21%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 12,9%). Đáng chú ý, nhập khẩu mặt hàng xe hơi luôn duy trì mức tăng rất cao và đạt 60% trong tám tháng đầu năm (trái ngược hoàn toàn với diễn biến cùng kỳ năm 2018).
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,7 tỉ USD trong tháng 8, đưa mức xuất siêu lũy kế tám tháng đầu năm lên 3,4 tỉ USD (cùng kỳ năm 2018 xuất siêu 4,9 tỉ USD).