Nhiều năm qua, nhà đầu tư Nhật luôn nằm trong nhóm các nước hàng đầu về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam (VN). Hiện nay, xu hướng này tiếp tục diễn ra. Nhưng để khơi thông mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn Nhật và có thể tận dụng cơ hội này để bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, VN cần cải thiện nhiều yếu tố, từ cơ sở hạ tầng cho đến nguồn nhân lực.
Làn sóng đầu tư mới từ Nhật
Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản vừa công bố đã bắt đầu bơm tiền cho hàng chục công ty Nhật để dời nhà máy sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á hoặc về lại Nhật Bản. Theo đó, đã có 87 công ty Nhật nhận được 653 triệu USD để di dời các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc (TQ) nhằm tránh phụ thuộc quá mức chuỗi cung vào TQ, đồng thời xây dựng nguồn cung ứng mới.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ban đầu có 15 công ty Nhật trong danh sách nhận tiền của chính phủ Nhật đã chuyển nhà máy từ TQ sang VN, trong đó có những công ty rất nổi tiếng. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoya được thành lập từ năm 1941, chuyên về công nghệ thông tin và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Hay Công ty Shin-Etsu Chemical chuyển việc sản xuất nam châm đất hiếm từ TQ sang VN.
“Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất xe hơi và lĩnh vực khác của Nhật bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở TQ do đại dịch COVID-19” - JETRO giải thích thêm.
Có thể xem đây là làn sóng thứ hai di dời nhà máy khỏi TQ của các công ty Nhật. Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật đã tung gói hỗ trợ cực lớn đến 2,2 tỉ USD cho các công ty Nhật rút các hoạt động sản xuất, kinh doanh khỏi TQ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận do các vấn đề địa chính trị diễn ra đầy căng thẳng gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt và cú bồi COVID-19 khiến các doanh nghiệp Nhật bị gián đoạn nguồn cung. Đây là lý do khiến Nhật cung cấp nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp của mình rời khỏi TQ, dù đất nước này là công xưởng của thế giới chưa thể thay thế. Bằng chiến lược này, các công ty Nhật đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia.
“Trên thực tế, trước đây nhiều công ty Nhật đã đặt cược hoàn toàn vào nguồn cung từ TQ. Nhưng các sự kiện diễn ra gần đây cho thấy việc kinh doanh không ổn định, thậm chí dễ dàng tan vỡ nếu nguồn cung duy nhất gặp vấn đề. Nhiều công ty Nhật sản xuất các sản phẩm rất quan trọng cho sự ổn định nền kinh tế Nhật nên việc phân tán rủi ro, có nguồn cung dự phòng trở nên quan trọng” - ông Hiếu nói.
Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, trên thực tế, hiện các doanh nghiệp lớn, tên tuổi của Nhật đều có mặt tại VN. “Dòng chảy vốn FDI từ Nhật vẫn tiếp tục đổ vào VN với đa lĩnh vực, từ công nghiệp chế tạo, sản xuất, điện tử, công nghệ thông tin cho đến dịch vụ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và vị thế đáng kể của VN với nhà đầu tư Nhật” - ông nói.
Nhiều công ty Nhật đang mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ta. Trong ảnh: Các công ty Nhật đang trao đổi, xúc tiến bán trái lê sang Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Tăng độ hấp dẫn
Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, một đơn vị đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, cho biết khi các nhà đầu tư Nhật chuyển trục từ TQ sang VN thì đây là cơ hội lớn cho các công ty nội địa.
Bởi các công ty Nhật có xu hướng tìm kiếm các công ty địa phương đủ năng lực để làm nhà cung cấp cho họ. Những công ty Việt sẽ được các tập đoàn lớn, nhiều nguồn lực và mối quan hệ truyền đạt các phương thức sản xuất công nghiệp mới, thậm chí chi tiền cho đầu tư máy móc.
Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, một khảo sát với các công ty Nhật đang hoạt động tại VN cho thấy có đến 70% các công ty cho biết tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh. Năm 2020, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào VN vì nhiều công ty chuyển nhà máy từ TQ sang do chi phí sản xuất tại nước này tăng cao và để phân tán độ rủi ro trong chuỗi cung ứng. |
“Một khi làm tốt cho tập đoàn đa quốc gia, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt nắm bắt thành thạo lĩnh vực mới. Qua thời gian tích lũy, nhà kinh doanh Việt bắt đầu đủ khả năng cạnh tranh với các công ty lớn, kể cả TQ trên thị trường và dần vươn lên là công ty mũi nhọn của đất nước” - ông Trí phân tích.
Tuy nhiên, để gia tăng nguồn vốn FDI từ Nhật, VN phải sở hữu những thứ mà các doanh nghiệp FDI tìm kiếm và đòi hỏi. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, để tạo sự khác biệt cho VN tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, bao gồm cả các ông lớn từ Nhật Bản thì các cơ quan hữu trách cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp để có sự điều chỉnh ưu tiên mở rộng hoặc xây mới. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ từ điện, nước, hạ tầng giao thông, thông tin, logistics đến các dịch vụ đi kèm. Coi đây là đột phá chiến lược để thu hút nhà đầu tư ngoại.
“VN cũng cần sớm thiết kế chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng quản lý. Liên tục duy trì ổn định môi trường vĩ mô và luôn đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách. Trong đó cần đặc biệt lưu ý các chính sách về đất đai, thuế, lao động và điều hành kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, có thể xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại VN” - TS Hiếu nhấn mạnh.
Giúp Việt Nam hình thành những tập đoàn mạnh Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, nhìn nhận khi các doanh nghiệp FDI bao gồm cả công ty Nhật đổ vào VN thì họ sẽ tìm kiếm thuê người địa phương làm lực lượng lao động. Việc tuyển dụng không chỉ mỗi công nhân mà ở cấp quản lý. Sau khoảng thời gian năm năm, những người ở vị trí quản lý tại tập đoàn đa quốc bắt đầu tích lũy đủ kiến thức và họ khao khát thành lập công ty riêng. Các công ty khởi nghiệp được thành lập từ các cựu nhân viên làm việc tại doanh nghiệp FDI dễ có xu hướng thành công hơn do họ đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm theo chuẩn quốc tế một cách lâu dài. “Sau khi các doanh nghiệp này bắt đầu lớn lên, có đủ lực lượng lao động giỏi thì sẽ hình thành các công ty nội địa đủ năng lực cạnh tranh với chính các tập đoàn đa quốc gia” - ông Andy Ho nói. |