Sở Tư pháp TP.HCM vừa tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tố cáo và những quy định pháp luật mới về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, phòng chống tham nhũng năm 2018. Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, giới thiệu, hướng dẫn về những điểm mới sắp tới sẽ được áp dụng.
Bổ sung quyền rút tố cáo
“Quy định hình thức tố cáo là để xác định trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Vì vậy, Luật Tố cáo mới vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như cũ là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp” - ông Trữ giải thích.
Ông Trữ lưu ý: Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Nếu đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo, còn không đủ thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày. Còn với việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Luật Tố cáo mới đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo. Theo đó, nguời tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: KP
Tính thời hạn ngay từ khi thụ lý tố cáo
Cũng theo ông Trữ, Luật Tố cáo 2018 có nhiều điểm mới. Cụ thể, nếu đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết mà được gửi đồng thời cho nhiều nơi, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì không xử lý đơn. Nếu đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cũng không xử lý đơn.
Ông Trữ lý giải: Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp và đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền.
Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng không xử lý. Đó là trường hợp nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo, hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không đúng hình thức.
Tuy nhiên, nếu thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể, ngoài ra thông tin này có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để kiểm tra.
Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo thì ông Trữ khẳng định đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không. Do đó luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện chặt chẽ.
Nếu như Luật Tố cáo 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo thì Luật Tố cáo mới quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo. Đây cũng là thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết tố cáo.
Nhiều người cùng tố cáo được không? Theo ông Trữ, nếu tố cáo bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo (điện thoại, email…). Ngoài ra phải ghi hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Nếu nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Nếu nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. |