Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận khá gay gắt về vấn đề hình thức tố cáo.
Theo dự thảo trình QH, việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Trong đó tố cáo bằng văn bản bao gồm tố cáo bằng bản giấy, bản fax hoặc thư điện tử. Tố cáo bằng lời nói gồm tố cáo được trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tố cáo được trình bày bằng lời nói qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Tranh luận việc cho tố cáo qua điện thoại
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu (ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng ban soạn thảo “rất thông minh”, “thiết kế rất hợp lý” điều khoản này. Theo ông Cầu, cách đây 13 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã quy định: cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.
“13 năm trước, QH đã chấp nhận việc này rồi, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ta còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao chúng ta lại bỏ cái này đi?” - ông Cầu băn khoăn. Ông cho rằng nếu bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại sẽ làm mất một kênh thông tin rất quan trọng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Mão (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) lại không đồng tình với ý kiến của ông Cầu. Ông Mão cho rằng trong số vụ tố cáo được thụ lý giải quyết, tố cáo đúng chưa đạt 18%, còn lại là tố cáo sai và tố cáo có đúng, có sai. Do vậy, có ý kiến cho rằng việc mở rộng các hình thức tố cáo qua thông tin điện tử, điện thoại, fax trong điều kiện như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng dân chủ để tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước và uy tín đối với cán bộ, công chức.
Với kinh nghiệm trong 15 năm làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng chỉ một cú điện thoại đã phải huy động hết các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hoặc một tin nhắn cũng cần một thời gian rất dài để xác minh các nội dung có liên quan đến tố cáo đúng hay sai...
Bấm nút tranh luận lần hai, giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình. “Thực ra chúng ta đang ngụy biện thôi. Chúng ta là những công chức nhà nước, nếu nói một cách sòng phẳng, đã ăn lương của Nhà nước, lương ấy là do dân góp, từ tiền thuế của dân thì tất cả yêu cầu của người dân chúng ta phải làm” - ông Cầu nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (trái) ủng hộ việc mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, trong khi đó đại biểu Trần Văn Mão lại bày tỏ nhiều lo ngại.
“Không thể nói tố cáo qua điện thoại khó quá, chúng tôi không làm. Nếu thế thì còn nói gì nữa. Đừng vì những việc khó khăn của cơ quan nhà nước, chúng ta chọn việc dễ làm còn việc khó thì thôi” - vẫn lời ĐB Cầu.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) sau đó lên tiếng ủng hộ quan điểm của ĐB Nguyễn Hữu Cầu. “Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nếu không dùng điện thoại thông minh có nghĩa quay trở về 0.4 rồi. Không nên thoái thác đây là vấn đề khó khăn để từ chối tố cáo qua điện thoại” - ông Nhưỡng nói.
Đề xuất bảo vệ cả người giải quyết tố cáo
Một vấn đề khác được các ĐB đặc biệt quan tâm là bảo vệ người tố cáo. Theo dự thảo, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Về nội dung bảo vệ, thông tin cá nhân của người tố cáo được bảo vệ bí mật, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Cạnh đó, những người này sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết “khi có căn cứ” về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những đối tượng nêu trên đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc; hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác/nơi làm việc do việc tố cáo...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đề nghị cần xây dựng một số tiêu chí xác định thế nào là “có căn cứ” để việc triển khai thi hành luật đồng bộ và thống nhất, khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị bổ sung vào danh sách người được bảo vệ: người cung cấp thông tin, người nắm giữ các tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo.
“Thực tế, những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, người giải quyết tố cáo, người trực tiếp xác minh, người làm chứng... đã bị khủng bố, đe dọa tinh thần, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình họ trong khi họ đang thực hiện trách nhiệm chung với xã hội” - bà Minh nói.
Sợ “lộ thông tin”, người tố cáo không dám đến nhận khen thưởng Bên hành lang QH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho hay Luật Tố cáo hiện hành và ngay trong dự thảo sửa đổi đều có quy định về việc khen thưởng người tố cáo. Tuy nhiên, thực tiễn quy định này không áp dụng được. “Ngay như ở địa phương của tôi, mỗi năm trích mấy tỉ mà để đó, người tố cáo đúng được chúng tôi mời đến nhận khen thưởng mà không ai đến nhận” - ông Tín nói. . Vì sao lại có chuyện tiền khen thưởng tố cáo đúng bị “treo”, không ai đến nhận, thưa ông? + Về nguyên tắc, người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin nhưng để được nhận tiền khen thưởng phải qua kế toán, qua kho bạc, như vậy sẽ lộ bí tích, thông tin người tố cáo. Cho nên nhiều người tố cáo đúng, được khen thưởng nhưng không dám đến nhận khen thưởng vì sợ lộ thông tin cá nhân. . Vậy làm thế nào để vừa bảo vệ được bí mật thông tin, vừa khen thưởng được người tố cáo đúng? + Tôi nghĩ khi dự Luật Tố cáo (sửa đổi) được QH thông qua, Chính phủ cần có quy định để chi khen thưởng theo cơ chế đặc biệt đối với người tố cáo đúng. Nghĩa là kể cả khi khen thưởng vẫn phải bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, chỉ một số cơ quan chịu trách nhiệm có liên quan biết và người quyết định về việc khen thưởng cho người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. . Xin cám ơn ông. |