Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với lũ lịch sử

Theo đó, hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang tiếp tục lên. Dự báo, ngày 5-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên báo động 2 là 0,15m), đến giữa tháng 9-2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Dự báo lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục lên. ẢNh: Internet

Theo đó, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Như vậy, tại Đồng bằng sông Cửu Long lũ về sớm so với mọi năm và là trận lũ lớn nhất từ năm 2014 đến nay.

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân và nhà nước, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.

Trong đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân.

Đặc biệt, chú trọng tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao. Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm. Đồng thời, rà soát lại phương án chủ động đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm