Ngày 7-8, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL. Theo báo cáo của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2018 có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp. Kết quả tốt nghiệp của sinh viên theo địa chỉ sử dụng (ĐCSD) là 96,2%, tương đương kết quả chung của khóa đào tạo và nhóm sinh viên trúng tuyển diện ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo, năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.450 chỉ tiêu, trong đó có 410 chỉ tiêu đào tạo theo ĐCSD, thực tế năng lực đào tạo của trường hơn 1.600. Mức điểm trúng tuyển hệ chính quy năm 2018 là từ 17 đến 22,75 điểm và điểm xét ĐCSD từ 18-20,75. Mức điểm trúng tuyển và xét ĐCSD hệ chính liên thông chính quy và vừa làm vừa học là 14-19,8 điểm.
Về tình hình nhân lực y tế phục vụ trong lĩnh vực chuyên ngành hiếm khu vực ĐBSCL đang thiếu rất nhiều. Kể từ năm 2015 theo nhu cầu của các tỉnh, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mỗi năm được giao khoảng 150 chỉ tiêu cho năm ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y) phân bổ đều theo nhu cầu của từng tỉnh.
Nhu cầu đào tạo năm chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL trung bình khoảng 250 bác sĩ/năm, trong đó ngành có nhu cầu cao là lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y. Theo thống kê, nhu cầu đào tạo năm ngành hiếm từ năm 2016-2020 khu vực ĐBSCL tổng cộng là 1.253, trong đó Cần Thơ có nhu cầu 127 và Kiên Giang là địa phương có nhu cầu cao nhất với 189 chỉ tiêu.
Đại diện ngành y tế ĐBSCL mong muốn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiếp tục duy trì chương trình đào tạo theo ĐCSD. Đồng thời các địa phương yêu cầu trường xem xét bổ sung chỉ tiêu đào tạo để đáp ứng như cầu y tế, khám chữa bệnh của địa phương mình.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hoàng Anh cho biết: Kiên Giang vừa có quyết định thành lập hai bệnh viên chuyên khoa nhưng hiện tại nguồn nhân lực tại hai bênh viện đang rất thiếu chỉ khoảng 7-8 nhân lực/bệnh viện.“Số lượng đào tạo ngành hiếm của tỉnh thuộc diện ĐCSD vẫn chưa ra trường. Còn lại số lượng đào tạo chung (y đa khoa) thì tỉnh đã cố gắng động viên các em về hai bệnh viện này làm nhưng đa số các em đều từ chối" - ông Anh cho hay.
Theo ông Anh, do đợi các sinh viên đào tạo khoa hiếm ra trường thì rất lâu nên ông đề nghị trường xem xét ngoài đối tượng liên thông y đa khoa thì cho chỉ tiêu liên thông đối với ngành hiếm để đáp ứng nhu cầu y tế tỉnh.