Ông Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết hiện ĐBSCL là vùng có tỉ lệ người mắc bệnh lao cao nhất cả nước nhưng nhân lực y tế lại rất mỏng. Hầu hết các tỉnh đều thiếu nhiều bác sĩ chuyên khoa về bệnh lao. Chẳng hạn tỉnh An Giang có tỉ lệ mắc bệnh lao cao nhất nhưng chưa có BV Lao.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ phải nâng việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II nhất là đối với bác sĩ chuyên khoa lao để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, trường cũng cần chú ý đào tạo sau ĐH các chuyên ngành hiếm, ngoại khoa, gây mê hồi sức... "Đề nghị trường chú ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, y đức cho sinh viên đồng thời gắn với việc xây dựng thương hiệu nhà trường” - ông Dũng lưu ý.
Theo báo cáo, trong hai năm 2015 và 2016, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã nhận đào tạo 395 sinh viên học năm chuyên ngành hiếm gồm giải phẫu bệnh, lao, phong, pháp y, tâm thần. Theo đó, kết quả học tập đạt loại khá, giỏi có 25% sinh viên, 67,3% đạt điểm trung bình, còn lại là yếu (27 em). Trường tiếp tục đề xuất có cơ chế đặc thù về đào tạo cho vùng ĐBSCL, tiếp tục đào tạo năm chuyên ngành hiếm theo lộ trình đến năm 2020...