Ông Đởm cho biết theo phân bổ của trường thì nhân lực y tế cho tỉnh này còn thiếu nhiều và đề nghị trường hỗ trợ đào tạo đặc biệt đối với các xã đảo, biên giới để mỗi xã đảo ít nhất phải có một bác sĩ đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Hầu hết đại biểu cùng chung đánh giá, các tỉnh ĐBSCL đang thiếu nhân lực y tế trầm trọng, đặc biệt là các chuyên khoa như lao, tâm thần, phong, nhi… Tuy vậy, số liệu thống kê của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho thấy số lượng sinh viên các tỉnh sau khi ra trường về làm việc tại địa phương là rất thấp. Điển hình như Sóc Trăng năm 2011 có 24 sinh viên ra trường nhưng chỉ có hai em về địa phương.
Ông Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết các tỉnh có nhu cầu đào tạo theo địa chỉ đối với các chuyên khoa như lao, pháp y, tâm thần… cần làm báo cáo về tính khả thi để trường xét tuyển với điểm thấp hơn (khống chế thấp nhất là 18 điểm và mỗi tỉnh chỉ được từ một đến hai em). Riêng đối với bảy tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau và Bến Tre, ngoài chỉ tiêu của trường đã tuyển, trường còn dành thêm cho mỗi tỉnh 10 chỉ tiêu đào tạo liên thông hệ bốn năm ngành y dược.
NHẪN NAM