Gửi câu hỏi về cho PLO, nhiều bạn đọc nêu thắc mắc: Lương của em bây giờ rất cao, em muốn đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao để sau này về hưu được hưởng lương lưu cao, như vậy có được không?
Trả lời vấn đề này, TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật BHXH) thì mức đóng và phương thức đóng của người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc được quy định rõ.
Cụ thể: “Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất”; NLĐ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất”.
TS Đoàn Thị Phương Diệp cho biết Luật BHXH khống chế mức đóng bảo hiểm. Ảnh: MINH CHUNG
Cạnh đó, NLĐ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau: “Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với NLĐ đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của hai lần mức lương cơ sở đối với NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần”.
Còn đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện thì mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 89 Luật BHXH quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thì: “Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở”.
Như vậy, mức đóng BHXH của NLĐ hiện tại được khống chế ở tỉ lệ (8%) mức tiền lương tháng và lương tháng này không cao hơn 20 lần lương cơ sở.
“Quy định khống chế này có ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo công bằng xã hội (không chênh lệch mức hưởng quá cao giữa những người tham gia BHXH). Mặt khác, BHXH là một chế độ an sinh xã hội có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Việc giới hạn mức đóng này có tác dụng giới hạn mức thụ hưởng hay hỗ trợ của Nhà nước đối với NLĐ nhằm cân đối thu chi ngân sách”, TS Phương Diệp nói.