Động đất làm hàng ngàn người chết: Tang thương Morocco!

(PLO)- Số người thương vong trong trận động đất kinh hoàng ở Morocco tiếp tục tăng trong bối cảnh công tác cứu hộ gặp nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã hơn hai ngày sau thảm họa động đất, Morocco vẫn đang hết sức nỗ lực và khẩn trương cứu người. Đài CNN dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ Morocco, ngoài hơn 2.000 người chết còn có hơn 2.000 người bị thương và trong số này có đến hơn 1.400 người nguy kịch. Khả năng số thương vong sẽ còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các khu vực hẻo lánh bị ảnh hưởng nặng.

Chạy đua cứu hộ

Trận động đất xảy ra lúc 23 giờ ngày 8-9 trên dãy High Atlas, cách TP Marrakesh (TP lớn thứ tư của Morocco, với 840.000 dân) khoảng 72 km. Dù cường độ chưa hẳn cực mạnh - 6,8 độ Richter nhưng đây được đánh giá là trận động đất nguy hiểm nhất tấn công khu vực Bắc Phi trong thế kỷ qua khi tâm chấn khá nông so với mặt đất, chỉ ở độ sâu 18,5 km. Chấn động lan khắp miền Trung Morocco, các tỉnh nông thôn lân cận TP Marrakesh bị ảnh hưởng nặng nhất. Rung chấn có thể cảm nhận ở nước láng giềng Algeria và cả những nước xa hơn như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, theo tờ New York Times.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 300.000 người ở TP Marrakesh và các khu vực lân cận bị ảnh hưởng từ thảm họa động đất.

Ngày 9-9, Quốc vương Morocco Mohammed VI chỉ thị lực lượng vũ trang hỗ trợ cứu hộ và lập bệnh viện dã chiến cấp cứu nạn nhân. Hoạt động cứu hộ vô cùng khó khăn do tâm chấn nằm ở khu vực nông thôn miền núi. Nỗ lực cứu hộ ban đầu cũng như công tác đánh giá thiệt hại gặp thách thức vì phần lớn nhà cửa được xây dựng trên những ngọn núi hẻo lánh. Thêm vào đó, một số con đường dẫn vào nhà dân đã bị chặn do mưa lũ. Nhiều khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng. Địa hình đồi núi phức tạp cũng cản trở việc di chuyển máy móc hạng nặng đến để dọn các đống đổ nát.

CNN dẫn nhận định của người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Joe English ngày 10-9 rằng các nỗ lực cứu hộ đã bước vào giai đoạn “thử thách” vì sắp qua “giai đoạn vàng” 72 giờ sau thảm họa, song hy vọng tìm được người sống sót vẫn còn. Trong khi đó, người sống sót ở vùng động đất vẫn phải ở ngoài đường do lo ngại dư chấn.

Binh sĩ Morocco đang chạy đua mong tìm được người sống sót khi “giai đoạn vàng” sắp qua. Trong ảnh: Nỗ lực cứu hộ tại làng Tafeghaghte, gần TP Marrakesh (Morocco) ngày 9-9. Ảnh: AFP

Binh sĩ Morocco đang chạy đua mong tìm được người sống sót khi “giai đoạn vàng” sắp qua.

Trong ảnh: Nỗ lực cứu hộ tại làng Tafeghaghte, gần TP Marrakesh (Morocco) ngày 9-9. Ảnh: AFP

Thế giới đồng lòng hướng về Morocco

Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Morocco dù chính phủ Morocco chưa chính thức đề nghị.

Ngày 9-9, trong một động thái đặc biệt, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước, Algeria quyết định mở cửa không phận để cho phép các chuyến bay cứu trợ nhân đạo hoặc sơ tán y tế đến và đi từ Morocco, đồng thời đề nghị được cung cấp viện trợ. Algeria đã đóng cửa không phận sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco vào năm 2021 vì một loạt vấn đề, trong đó có tranh chấp kéo dài hàng thập niên liên quan đến vùng lãnh thổ Tây Sahara.

Ngày 10-9, ông Nathalie Fustier, Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Morocco, cho biết Liên hợp quốc đã liên hệ với chính phủ Morocco để đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và cung cấp y tế. “Hiện chúng tôi đang ở chế độ chờ, sẵn sàng hỗ trợ theo phương thức mà chính phủ Morocco lựa chọn” - ông Fustier cho biết.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10-9 cũng đề nghị cung cấp “hỗ trợ đầy đủ” cho Morocco.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-9 cho biết Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho người dân Morocco và cũng đang khẩn trương làm việc để đảm bảo công dân Mỹ ở Morocco được an toàn. Đại sứ quán Pháp tại Morocco cho biết đang trao đổi với chính quyền Morocco để tìm cách “đồng hành cùng Morocco trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này”.

Cơ quan quản lý khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết đã sẵn sàng gửi 265 nhân viên và 1.000 lều tới Morocco để hỗ trợ. Qatar, Đức, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Jordan, Nhật Bản cũng đề nghị được hỗ trợ Morocco vượt qua thảm họa.•

Tại sao động đất ở Morocco làm chết nhiều người đến thế?

Số người chết và bị thương trong trận động đất ở Morocco lên tới hàng ngàn người và khả năng chưa dừng lại.

Hãng tin AP dẫn nhận định từ giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thương vong cao là do động đất xảy ra ở khu vực Bắc Phi, vốn hiếm khi chứng kiến loại thảm họa này nên người dân không có sự chuẩn bị tốt.

“Ở những nơi hiếm khi xảy ra động đất thảm khốc, các tòa nhà không được xây dựng đủ chắc chắn để đối phó với rung chuyển mạnh của mặt đất nên đã có rất nhiều tòa nhà bị sập, dẫn đến thương vong cao” - ông Bill McGuire, giáo sư danh dự về các hiểm họa địa vật lý và khí hậu tại ĐH College London (Anh), cho biết.

Các kiến ​​trúc sư Morocco cho biết khu vực gần tâm chấn có nhiều ngôi nhà bằng đất không thể chống chịu một trận động đất mạnh như trận động đất đêm 8-9. Theo kiến trúc sư Anass Amazirh, “với tình trạng của các tòa nhà trong nước, số người chết này là điều có thể dự đoán được”.

Ông Omar Farkhani, cựu Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư quốc gia Morocco, nêu một thực tế là ở những khu vực miền núi, người dân thường không đủ tiền trả cho kiến ​​trúc sư nên phải tự xây nhà hoặc nhờ đến thợ xây tay nghề thấp. Một thực tế nữa, theo ông Farkhani, nhiều nhà thầu vẫn coi thường quy định và cắt giảm chi phí xây dựng, bất chấp những tiêu chuẩn xây dựng chống động đất mà chính phủ đưa ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm