Đông Nam Á trong cuộc đua thiết bị bán dẫn

(PLO)- Thị trường sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu đang nóng lên từ các bước đi lớn của Mỹ và Trung Quốc, mang lại cơ hội cho các nước Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo mới đây cảnh báo rằng tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn quan trọng trên toàn cầu có thể kéo dài ít nhất đến hết năm sau và có lẽ còn dài hơn nữa do tình trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì đại dịch, theo tờ The Nikkei. Để tránh những chậm trễ tốn kém trong sản xuất, ngày càng nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ và phương Tây nói chung đang chuyển dịch nhà máy và chuyển những khoản đầu tư mới sang Đông Nam Á. Sự dịch chuyển này sẽ càng trở nên mạnh hơn với việc chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS để thúc đẩy năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn của doanh nghiệp Mỹ.

Năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn của khu vực tới đâu?

Các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng trở thành những địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp chuyển hướng khỏi Trung Quốc sau đại dịch. Các chuyên gia thuộc Ngân hàng DBS (Singapore) cho biết phần lớn các công ty thiết bị bán dẫn nước ngoài đầu tư vào ASEAN là từ Mỹ và Nhật. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đặc biệt tập trung vào thiết bị bán dẫn được sản xuất tại Trung Quốc, do đó các nhà sản xuất chip đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Những diễn biến nói trên giúp tăng cường vai trò của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu.

Thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu ước tính ở mức gần 600 tỉ USD trong năm nay và tiếp tục tăng trưởng đến khoảng 1.380 tỉ USD vào năm 2029, theo trang Fortune Business Insights.

Trong một báo cáo hồi tháng trước, công ty kiểm toán Ernst & Young (Anh) đánh giá năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn của ASEAN đang được chú trọng do hệ sinh thái năng lực sản xuất đa dạng. Khối này là nhà xuất khẩu thiết bị bán dẫn lớn thứ hai thế giới, chiếm 22,5% thị phần toàn cầu.

Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là các nước trong ASEAN được đánh giá là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Malaysia và Singapore là những nước đi đầu trong khu vực về sản xuất tấm wafer và thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan dẫn đầu về phần mềm kỹ thuật.

Dù năng lực tốt nhưng khu vực này vẫn chưa thể đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng trung bình 4%-5% một năm và Ernst & Young cho rằng ASEAN cần phải tăng gấp đôi công suất sản xuất từ đây đến năm 2030.

Kỹ sư trong một dây chuyền sản xuất chip bán dẫn tại Malaysia hồi tháng 3. Ảnh: GORODENKOFF PRODUCTIONS

Kỹ sư trong một dây chuyền sản xuất chip bán dẫn tại Malaysia hồi tháng 3.
Ảnh: GORODENKOFF PRODUCTIONS

Tiềm năng cho khu vực còn rất lớn

Ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn của ASEAN đã và đang nhận được sự thúc đẩy từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng xuất khẩu và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Singapore là quốc gia đi đầu trong số các nước ASEAN về sản xuất chip và quốc đảo này đóng góp 12,4% vào xuất khẩu thiết bị bán dẫn toàn cầu. Hồi năm ngoái, hãng sản xuất chip GlobalFoundries (Mỹ) cho biết sẽ đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore.

Trong khi đó, ở Malaysia, tờ The Star cho biết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn ở đây đang hưởng lợi rất nhiều từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ khi dòng vốn đầu tư đổ vào Malaysia tăng mạnh. Nước này trong suốt 50 năm phát triển ngành chất bán dẫn đã thu hút được 35 tỉ USD đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí, an toàn và ổn định, từ đó các hoạt động nghiên cứu phát triển tiên tiến và sản xuất có thể phát triển mạnh.

Philippines gần đây nổi lên như một nước xuất khẩu thiết bị điện tử chủ chốt và từ năm 2020, thiết bị bán dẫn chiếm 70% lượng hàng điện tử xuất khẩu của nước này. Nước này cũng dần nâng cấp đáng kể các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm thiết bị bán dẫn. Sức mạnh lớn nhất của quốc gia quần đảo này là lực lượng lao động có kỹ năng cao và hướng tới dịch vụ.

Thái Lan là nước xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn thứ 13 trên thế giới và có năng lực sản xuất lớn, từ thiết bị bán dẫn đến thiết bị nhớ. Với vị trí chiến lược ở trung tâm của ASEAN và các phương thức giao thông thuận tiện, quốc gia này đóng vai trò là một trung tâm trung chuyển, theo tờ The Bangkok Post.

Indonesia đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm sản xuất thiết bị bán dẫn sau khi quốc gia này nhắm mục tiêu điện tử như một lĩnh vực thiết yếu trong khuôn khổ Chế tạo Indonesia 4.0. Nước này có lực lượng lao động sản xuất lớn nhất trong ASEAN cũng như thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực, giảm nhu cầu đối với các linh kiện điện tử. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có lợi thế nguồn lao động dồi dào.•

Tự chủ công nghệ là chìa khóa

Theo công ty công nghệ cung ứng Supplyframe (Mỹ), sản xuất thiết bị bán dẫn nói chung và chip bán dẫn nói riêng là một lĩnh vực tương đối tốn kém. Chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất chip trung bình vào khoảng 20 tỉ USD. Tuy vậy, đổi lại thì việc thu hồi vốn và giảm thiểu khấu hao cũng rất nhanh.

Quan trọng hơn, tự chủ nguồn cung chip là chìa khóa để các quốc gia đảm bảo chủ quyền kỹ thuật số, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro trong nền kinh tế biến động liên tục hiện nay. Chính vì vậy, cuộc đua thiết bị bán dẫn sẽ là tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm