Việc Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc sinh viên mặc đồng phục khi đến trường học tập đã gây ra những tranh cãi là điều có thể hiểu được.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng việc quy định sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường học tập, liên hệ công việc là điều không cần thiết.
Trước hết cần phân biệt trường đại học với trường phổ thông.
Ở trường phổ thông, các em học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường là điều dễ hiểu. Bởi học sinh phổ thông vẫn chưa là người trưởng thành nên cần được uốn nắn tuân theo các quy tắc, chuẩn mực để sau này lớn lên các em biết tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức khác của xã hội.
Trường đại học thì khác, sinh viên đại học là những người đã trưởng thành, đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm cá nhân trước các hành vi, việc làm của mình.
Đối với việc giáo dục sinh viên bậc đại học, chúng ta cần hướng đến việc hướng dẫn cho các em tuân theo những quy tắc cao cấp và cần thiết hơn như phải biết tôn trọng thành quả của người khác, tức là không được đạo văn; biết trung thực, biết chịu trách nhiệm cá nhân, biết cùng tham gia và có trách nhiệm với các hoạt động chung.
Một sinh viên ăn mặc chỉnh tề nhưng thi cử không trung thực, đạo văn, không có ý thức trách nhiệm khi làm việc nhóm thì cái vẻ chỉnh tề của quần áo hay tóc tai chỉ là những thứ đạo đức giả tạo mà thôi.
Bên cạnh đó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM còn cho rằng lý do buộc sinh viên mặc đồng phục còn nhằm để nhận diện thương hiệu của nhà trường. Liệu bộ đồng phục có làm nên thương hiệu của một trường đại học không? Câu trả lời là không.
Chẳng hạn chúng ta thấy ở Việt Nam chẳng có ai mặc đồng phục của Trường ĐH Harvard (Mỹ), cũng chẳng có bài giới thiệu nào về trường này trên báo chí hay truyền hình nhưng gần như mọi sinh viên đại học Việt Nam đều biết đến danh tiếng của trường này.
Vậy cái gì tạo nên thương hiệu của một trường đại học? Đó chắc chắn là tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo, tỉ lệ sinh viên thành đạt, số lượng công trình nghiên cứu khoa học được công bố và trích dẫn, số bằng sáng chế được công nhận, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại trường, số nhà khoa học hay giảng viên nhận các giải thưởng về khoa học… chứ tuyệt nhiên không phải là bộ đồng phục.
Do đó chúng tôi cho rằng việc buộc sinh viên đại học phải mặc đồng phục là điều không cần thiết bởi nó chẳng có vai trò gì trong việc tạo dựng đạo đức cho sinh viên cũng như thương hiệu của một trường đại học. Đồng phục nên chỉ là sự chọn lựa của cá nhân người học mà thôi.