Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hướng đến sự hài lòng của Nhân dân
Từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động tập trung vào ba trụ cột chính: chuyển đổi số, cải cách hành chính và cải thiện chỉ số quản trị. Các kế hoạch hành động cụ thể được triển khai, bao gồm: Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024: Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân; Kế hoạch nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS): Tăng cường sự minh bạch, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công vụ; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững đến năm 2025.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan và địa phương thường xuyên rà soát, cải tiến quy trình giải quyết TTHC, đồng thời tích cực áp dụng công nghệ thông tin để kết nối và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Nhiều mô hình cải cách nổi bật – Bước đột phá từ địa phương
Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác cải cách hành chính:
Mô hình “Không gian hành chính phục vụ” và Mô hình "Lãnh đạo Tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp" thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp- nơi lãnh đạo trực tiếp gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; tạo không gian làm việc hiện đại, thân thiện, giúp người dân giải quyết TTHC nhanh chóng và thoải mái.
Mô hình “Ngày thứ Bảy tình nguyện” tại các huyện như Hồng Ngự, Tháp Mười, công chức đến tận nhà dân ở vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ giải quyết TTHC, giảm thời gian chờ đợi. Mô hình “Không viết, không hẹn” tại các huyện như Thanh Bình, Tháp Mười, người dân không cần nộp giấy tờ hoặc chờ đợi lâu, nhờ số hóa hồ sơ và quy trình tự động.
Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tra cứu và nộp hồ sơ qua các ứng dụng như TPHồngNgựSmart, mã QR và các kênh liên lạc số. Cải tiến quy trình của các sở ngành như Sở GTVT triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trong vòng 2 giờ; Sở VHTT&DL triển khai dịch vụ công trực tuyến qua Zalo Official; Sở KHĐT hỗ trợ doanh nghiệp từ xa qua các công cụ như TeamViewer.
Chuyển đổi số – Bước đệm cho chính quyền điện tử
Nhằm hiện thực hóa chính quyền số, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng các hệ thống giải quyết TTHC hiện đại: Tích hợp 841 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 561 dịch vụ công trực tuyến một phần; Kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cung cấp 1.039 dịch vụ trực tuyến; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 67,86%, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân. 100% TTHC có thu phí được triển khai thanh toán trực tuyến, với tỷ lệ giao dịch đạt 45,65%.
Hạ tầng công nghệ cũng được nâng cấp triển khai các hệ thống lưu trữ, máy chủ và tường lửa, đảm bảo an toàn thông tin, đồng thời tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tư pháp hộ tịch, và giấy phép lái xe. E-Đồng Tháp và Tổng đài 1022 là những công cụ hiệu quả để tra cứu, gửi phản ánh, kiến nghị, và theo dõi trạng thái giải quyết hồ sơ.
Đáng chú ý, Đồng Tháp đã vận hành ổn định ba Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tại cấp tỉnh và các thành phố lớn như Cao Lãnh, Hồng Ngự. Các trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ thông minh và đặt nền móng xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.
Bước sang năm 2025, Đồng Tháp đặt ra các mục tiêu chiến lược là đẩy mạnh chuyển đổi số tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở. Nhân rộng các mô hình cải cách hành chính hiệu quả mở rộng ứng dụng công nghệ và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền số toàn diện đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Những thành quả của Đồng Tháp trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số không chỉ khẳng định sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai, Đồng Tháp sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ công, khẳng định vị thế tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số của cả nước.