Giá trị ngàn đời của y học dân gian từ trước Công nguyên dù lớn thế nào cũng không thể tiếp tục “sao y bản chính” vào thời vi tính lên ngôi. Thầy thuốc bắt mạch vững tay nghề thế nào, bốc thuốc có mát tay cách mấy cũng chỉ có thể xoa dịu nỗi đau của vài chục người bệnh trong ngày. Số cung đó không thể đáp ứng số cầu đang bội tăng từng giờ trong bối cảnh bệnh thời đại như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, ung thư… đang chiếm thế thượng phong. Vấn đề chỉ có thể giải quyết nếu có cách nào “phổ thông hóa” bài thuốc Đông y cổ truyền thành sản phẩm khoác áo hiện đại, nghĩa là an toàn, hiệu quả, tiện dụng, đại trà và kinh tế.
Biến đổi nhờ kỹ thuật thời “hại điện”
Nhờ công nghệ tiên tiến như ly trích trong chân không, làm giàu hàm lượng qua kỹ thuật nano, một bài thuốc thang kinh điển ngày nào đòi hỏi củi lửa để sắc thuốc đã có thể dễ dàng trở thành viên nang với liều dùng hằng ngày không gây trở ngại cho người dùng thuốc.
Không chỉ có thế, nhờ khả năng làm giàu hàm lượng hoạt chất gấp cả chục lần nếu so sánh với hình thức bào chế kinh điển, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều tác dụng mới giúp mở rộng phạm vi ứng dụng của cây thuốc. Chẳng hạn curcumin trong nghệ ở liều cực cao có công năng phục hồi khớp đã cứng vì thoái hóa, ngũ vị tử hỗ trợ tiến trình phục hồi nhu mô gan của người viêm gan siêu vi, allicin trong tỏi ức chế phản ứng xơ vữa mạch máu… Nhờ vậy, thầy thuốc đang có trong tay nhiều dược phẩm thế hệ một từ dược liệu của y học dân gian không thua thuốc đặc hiệu.
Đông y phải được “tiếp thị” bằng ngôn ngữ của y học hiện đại, bằng dẫn chứng theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm để thầy thuốc Tây y “à há”.
Thuốc hay nhờ mách có chứng
Bấy nhiêu vẫn chưa đủ! Nghiên cứu để làm ra sản phẩm đãi cát lọc vàng từ kho tàng kinh nghiệm y học dân gian tuy khéo nhưng chưa chắc đã hay vì biết đâu thuốc mới tuy nhẹ, tuy đẹp nhưng không hiệu quả?! Thành phẩm thế hệ hai bắt buộc phải được xác minh hiệu năng theo tiêu chí thực nghiệm của y học hiện đại bằng mô hình nghiên cứu lâm sàng đối chứng với thuốc đặc hiệu để biết chắc tối thiểu ba điểm:
• Thành phẩm rõ ràng có tác dụng đặc hiệu thông qua ảnh hưởng trên cơ tạng, tăng cường sức kháng bệnh, cải thiện trị số xét nghiệm…
• Thành phẩm an toàn khi dùng dài lâu sau khi theo dõi huyết học, sinh hóa, siêu âm trong suốt liệu trình và thời gian dài sau khi ngưng thuốc.
• Thành phẩm không gây phản ứng tương tác bất lợi với thuốc đặc hiệu.
Thử nghiệm là tiếng kép
Muốn nghiệm phải thử. Hàng trăm công trình nghiên cứu Đông y qua mô hình vừa vĩ mô về số lượng, vừa cao cấp về kỹ thuật tiên tiến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…, như tác dụng “hoạt huyết” chứng minh dưới kính hiển vi điện tử, như công năng kháng ôxy hóa của nhân sâm, lộc nhung, linh chi, đông trùng hạ thảo… theo tiêu chí xét nghiệm sinh hóa, như ảnh hưởng của dược thảo trên hệ miễn dịch trong bệnh viêm gan, thấp khớp, ung thư… và còn nhiều nữa là dẫn chứng cho thấy ngay cả thầy thuốc Tây y bảo thủ cách mấy cũng phải hướng tầm mắt khách quan hơn về kho tàng kinh nghiệm của y học cổ truyền. Đó chính là cơ sở tri thức và truyền thông cho thấy đã đến thời Đông dược cần được khẩn trương “hiện đại hóa” thông qua bốn công đoạn theo trình tự:
• Chọn lọc, nói đúng hơn là sàng lọc để thừa kế đúng đắn bài thuốc kinh nghiệm được phát hiện qua nhận xét khách quan của bệnh nhân đã hài lòng với tác dụng của bài thuốc.
• Bào chế trên tinh thần tôn trọng cấu trúc nhưng với công nghệ dược tiên tiến để vừa đảm bảo độ thuần khiết tối đa, vừa làm giàu hàm lượng của hoạt chất chủ lực.
• Xác minh tác dụng của thành phẩm qua mô hình nghiên cứu lâm sàng theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm của y học hiện đại.
• Tiếp tục đánh giá hiệu năng của thành phẩm qua áp dụng đại trà để hoàn chỉnh các định mức dược học, như của tân dược, bao gồm chỉ định, liều dùng, tương tác và chống chỉ định.
Đổi mới cũng là tiếng kép
Muốn mới phải đổi. Muốn mới phải động. Đã đến lúc Đông dược ở xứ mình phải được linh động biến đổi để thăng hoa trong thiên niên kỷ mới. Muốn vậy Đông y phải được “tiếp thị” bằng ngôn ngữ của y học hiện đại, bằng dẫn chứng theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm để thầy thuốc Tây y “à há” và từ đó đãi cát lọc vàng bằng cách học tập và áp dụng trên tinh thần thừa kế kinh nghiệm của y học dân gian nhưng vận dụng theo tri thức của y học hiện đại.
Nhà nước đã từ nhiều chục năm kêu gọi, thậm chí kêu gào cho biện pháp kết hợp Đông Tây y để phục vụ sức khỏe cộng đồng, để giữ gìn bản sắc y học dân tộc nhưng không xa rời hiểu biết cập nhật của y học hiện đại. Muốn kết cho dính phải hợp lý, hợp tình. Kết hợp đúng nghĩa là khi liệu pháp nhờ đó hay hơn, liệu trình nhờ đó ít tốn kém hơn cho người bệnh. Không có biện luận nào khác.