Câu chuyện bắt đầu từ việc em C. vừa đủ 18 tuổi (sinh năm 1999) gửi đơn đến UBND quận X, TP Y đề nghị thay đổi họ của mình. Em muốn đổi từ họ của cha trong khai sinh sang họ mẹ, còn tên và chữ đệm thì giữ nguyên.
Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp không cho đổi
Trong đơn, em C. cho biết cha mẹ em đã ly hôn từ năm 2012 bằng một quyết định thuận tình ly hôn của tòa án. Cũng từ đó đến nay hai người không qua lại và liên hệ gì với nhau nữa. Theo quyết định của tòa thì mẹ em là người trực tiếp nuôi dưỡng ba đứa con chung, trong đó có em. Việc cấp dưỡng nuôi con do hai bên thỏa thuận. Từ lúc cha mẹ chia tay thì mẹ con em C. sống cùng ông bà ngoại, được ông bà lo lắng, dạy dỗ và cũng không còn tình cảm với người cha nữa.
Em C. cho rằng mình đã đủ 18 tuổi, về xã hội là đến tuổi trưởng thành, về pháp lý em cũng đủ năng lực hành vi dân sự và trách nhiệm trước pháp luật. Từ đó, em muốn tự quyết định họ của mình, muốn đổi họ từ họ cha sang họ mẹ để tiện việc học tập và các giấy tờ cá nhân về sau...
Tuy nhiên, yêu cầu thay đổi này của em C. không được Phòng Tư pháp quận X. chấp nhận nên đã trả hồ sơ cho em C. Sở Tư pháp TP Y cũng cùng quan điểm là em C. không có quyền tự đề nghị đổi họ từ cha sang mẹ dù em đã đủ 18 tuổi. Theo cơ quan tư pháp, các quy định pháp luật hiện nay không có quy định nào cho phép thay đổi.
Bộ Tư pháp: Đủ 18 tuổi thì có quyền
Theo hai cơ quan tư pháp, khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch quy định: Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký, khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 27 BLDS 2015 cũng quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp: Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Tức là chỉ khi cha mẹ của em C. có yêu cầu thay đổi thì mới được, còn bản thân em C. không có quyền.
Bị cơ quan tư pháp địa phương từ chối, em C. tiếp tục gửi đơn đến Bộ Tư pháp nhờ cứu xét với mong muốn được thực hiện ý định của mình. Mới đây, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có công văn chấp nhận đề nghị của em C.
Cục giải thích về quyền cá nhân tại Điều 27 BLDS 2015 như sau: Quyền này được hiểu là quyền của chính cá nhân người có yêu cầu thay đổi họ khi đã thành niên và có đủ năng lực hành vi dân sự. Trường hợp cá nhân chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ thực hiện quyền này.
Từ lập luận trên, cục này đề nghị Sở Tư pháp TP Y chỉ đạo Phòng Tư pháp quận X tiếp nhận và giải quyết yêu cầu thay đổi họ cho em C.
Vậy quan điểm của Sở Tư pháp hay của Bộ Tư pháp là đúng? Dưới đây là ý kiến của hai chuyên gia về vấn đề này.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Chỉ cha hoặc mẹ mới có quyền!
Theo tôi thì quan điểm của Bộ Tư pháp có phần nào tiến bộ. Tuy nhiên, phải hiểu cho đúng quy định của điều luật. Điểm a khoản 1 Điều 27 BLDS quy định: “Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại…”. Nghĩa là cha hoặc mẹ được quyền thay đổi họ cho con chứ không phải người con có quyền này. Mặc dù người này đủ 18 tuổi thì cũng không có căn cứ tự thay đổi họ từ họ cha sang họ mẹ mà chỉ người cha hoặc mẹ của em C. mới có quyền này.
Tại khoản 2 điều luật nói trên cũng quy định thêm rằng: “Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó”. Như vậy, em C. muốn đổi từ họ cha sang họ mẹ thì mẹ em C. là người thực hiện thủ tục này, đồng thời có ý kiến của em C. nữa là đủ, đúng pháp luật.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM:
Em C. vẫn có quyền xin đổi họ!
Luật quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Ở đây, khái niệm cá nhân bao gồm đối tượng có quyền rộng hơn chứ không chỉ là cha, mẹ; có thể hiểu cá nhân là con đã thành niên cũng có quyền. Bởi lẽ nếu chỉ dự liệu thay đổi họ chỉ có cha, mẹ có quyền thì nhà làm luật đã ghi rõ là cha, mẹ chứ không tính đến khái niệm cá nhân. Chưa kể việc thay đổi họ này đối với trường hợp người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ thực hiện quyền này.
Như vậy, phải hiểu cá nhân ở trong trường hợp này là nhiều đối tượng, trong đó có người đã thành niên. Và trường hợp này em C. đã đủ tuổi để tự yêu cầu quyền được đổi họ của mình là phù hợp với pháp luật chứ không nhất thiết là chỉ có cha, mẹ em ấy mới có quyền này.
Một cán bộ tư pháp tại TP.HCM:
Nhìn ở góc độ đạo lý…
Hoàn cảnh của em C. đúng là đáng thương, cha mẹ không có mối liên hệ dẫn đến con cái thiệt thòi. Có thể xuất phát từ nguyên nhân này mà em ấy muốn từ bỏ họ cha để theo họ mẹ. Họ cha hay họ mẹ đều được cả, tôi không phải là người chấp nhất, câu nệ nhưng dù có đổi họ ai đi nữa thì em C. vẫn phải thừa nhận là con của cha mẹ mình. Như vậy, việc đổi họ này cũng không ảnh hưởng đến địa vị pháp lý hay thay đổi quyền và nghĩa vụ của em C. Chưa kể toàn bộ giấy tờ của em từ học bạ, CMND, hộ khẩu… đều phải thay đổi theo rất mất thời gian và tốn kém.
Thường thì người ta chỉ đổi tên vì nó xấu xí, khó nghe… chứ chỉ vì việc cha không liên hệ mà đổi họ luôn thì tôi e lý do không thuyết phục. Nó còn là đạo lý của con cái, của cha mẹ đối với con. Người cha có thể sai, có thể đáng trách nhưng đổi họ từ cha qua mẹ vì lý do này xem ra chưa ổn. Thực tế, đổi họ rồi thì em ấy vẫn là con chứ có khác hơn đâu, pháp lý có thể đổi nhưng huyết thống thì vẫn còn. Sao em ấy không hỏi ý kiến của người mẹ? Nếu mẹ em ấy đồng ý thì pháp luật cho đổi thôi...
Những trường hợp được quyền thay đổi họ 1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây: a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi; c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con; đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi; g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định. 2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. 3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ. (Điều 27 BLDS năm 2015) |