Dự án kênh đào Quan Chánh Bố: Khơi dòng tàu lớn vào ĐBSCL

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với hệ thống sông ngòi chằng chịt và đặc biệt có rất nhiều nhánh sông đổ ra biển nhưng hàng trăm năm nay, ĐBSCL không thể phát triển mạnh vận tải biển. Hầu hết các cửa sông nơi đây, nhất là cửa Định An đều rất cạn. Cửa biển sâu nhất ở khu vực này khi nước lên chỉ vào khoảng 6-7 m, khi nước ròng chỉ còn 3-4 m. Với mức nước ấy chỉ có các tàu rất nhỏ khoảng 3.000 tấn - 5.000 DWT ra vào và đó là nguyên nhân chính làm cho hệ thống cảng biển ở đây luôn lâm vào tình trạng “vắng như chùa bà đanh”.

12 triệu tấn hàng xuất khẩu đi vòng vèo

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy mỗi năm có 9-12 triệu tấn hàng hóa từ ĐBSCL xuất khẩu bằng đường biển nhưng chỉ có 30% từ các cảng khu vực đi thẳng. Số còn lại phải vận chuyển đến TP.HCM hoặc Vũng Tàu để “quá cảnh” vì những nơi này mới đủ điều kiện cho tàu tải trọng lớn ra vào.

Ngoài ra, Cục Hàng hải cũng liên tục phải đầu tư nạo vét với chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng/lần. Tuy nhiên, luồng lạch cũng chỉ duy trì được khoảng hai tháng là phải nạo vét lại.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai dự án tìm luồng mới - kênh Quan Chánh Bố để đón được tàu biển có tải trọng đến 20.000 tấn. Cụ thể, 24 km đã có của kênh Quan Chánh Bố sẽ được nâng cấp và đào mới thêm gần 10 km kênh nữa, theo đường tắt thông từ cảng Cần Thơ ra biển Đông.

Ông Vũ Huy Cường - Trưởng ban Kế hoạch đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Dự án đào kênh Quan Chánh Bố được hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của người dân ĐBSCL phát triển. Tàu thuyền có trọng tải lớn sẽ ra vào thuận lợi. Các doanh nghiệp, đơn vị sẽ không phải mất thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đến TP.HCM trước khi xuất khẩu. Giá trị hàng hóa, sản phẩm sẽ tăng lên. Riêng với tỉnh Trà Vinh, ngoài lợi ích nêu trên, dự án được thực hiện còn góp phần tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển do tỉnh có đường giao thông thủy thông thương với quốc tế. Trà Vinh đã có dự tính quy hoạch xây dựng một cụm cảng thương mại, xây dựng một cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá đón tàu từ một số tỉnh đổ về lúc mùa gió chướng để trú ẩn. Nếu dự án này hoàn thành thì huyện Duyên Hải sẽ trở thành một đô thị lớn ven biển.

Vươn ra biển lớn, cả đồng bằng...

Theo ông Cường, đến nay việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cơ bản đã hoàn thành. Hiện Cục Hàng hải đang khẩn trương hoàn thiện các trình tự thủ tục để khởi công gói thầu đầu tiên trong thời gian sớm nhất (dự kiến đầu năm 2009 - PV).

Nói về Quan Chánh Bố, ông Đinh Văn Thảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ khẳng định: “Nhất định là có lợi!”. Việc xẻ kênh được coi như “kênh tắt” mở cửa khu vực ĐBSCL vươn ra biển lớn. Các tàu lớn có trọng tải trên 10.000 DWT sẽ ra vào thoải mái. Theo ông Thảo, về đường thủy hiện nay, luồng Định An đảm nhận hầu hết việc vận chuyển đường thủy của vùng nhưng chỉ tàu có tải trọng dưới 5.000 DWT là vào được. Khi kênh Quan Chánh Bố hoàn thành thì các doanh nghiệp vận tải thủy có sự lựa chọn giữa hai luồng Định An và Quan Chánh Bố, giảm chi phí, giảm hư hao sản phẩm, lại giải quyết việc làm tại chỗ.

“Trong tương lai, với đà phát triển của vùng, kênh Quan Chánh Bố không chỉ giải quyết “đầu ra” cho lượng hàng nông thủy sản khổng lồ mà còn là “đầu vào” của các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng, phát triển vùng, ví dụ việc vận chuyển các nguyên vật liệu xây dựng những công trình lớn trong tương lai...” - ông Thảo nói.

THÀNH VĂN - NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm