Nguồn: Bộ Công thương, PVN - Đồ họa: Như Khanh
Các chuyên gia kinh tế lo ngại VN sẽ lại “lạm phát” lọc dầu, VN là điểm đến của công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi thế giới đang dần chuyển sang đầu tư vào các nhà máy chế biến năng lượng sinh học và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.
Dồn dập đầu tưTheo kế hoạch cuối tháng 10-2013, dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ chính thức khởi công. Với công suất chế biến tới 10 triệu tấn/năm, nhà máy có vốn đầu tư khoảng 9 tỉ USD, dự kiến hoàn thành xây dựng vào quý 4-2016 và vận hành thương mại vào năm 2017. Đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh giữa các bên gồm Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) góp 25% vốn, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait góp 35%, Công ty Idemitsu (Nhật Bản) góp 35%... Các sản phẩm của liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ gồm xăng A92, A95, nhiên liệu máy bay, dầu DO... Tương tự, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô đặt tại Khu kinh tế Nam Phú Yên thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, do Tập đoàn Tachnostar Management Ltd (Anh) làm chủ đầu tư cũng bắt đầu khởi động. Năm 2007, nhà máy này chỉ được cấp phép với công suất 4 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1,7 tỉ USD, sau đó nhà đầu tư lại xin nâng công suất lên gấp đôi và mức vốn đầu tư lên 3,18 tỉ USD. Đầu năm 2013, sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự án lọc dầu Vũng Rô, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô Nhà máy lọc dầu Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm. Một dự án khác gây nhiều dư luận trái chiều là dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội nằm tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) do Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) làm chủ đầu tư với số vốn 27,5 tỉ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất chế biến 30 triệu tấn dầu thô/năm. Theo quy hoạch phát triển, ngành dầu khí VN sẽ không có Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội. Tuy nhiên, các bộ ngành và UBND tỉnh Bình Định đều đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch ngành dầu khí. Trong một báo cáo gửi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết dự kiến sẽ cấp phép cho dự án lọc hóa dầu có công suất 16 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 12,5 tỉ USD cho Tập đoàn Formosa. Nếu được cấp phép, dự án này cũng nằm ngoài quy hoạch phát triển ngành dầu khí tầm nhìn đến năm 2025.
Nguồn: Bộ Công Thương
Cung vượt cầuHiện VN đã có nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động là Dung Quất (Quảng Ngãi) và một nhà máy nhỏ khác là Nhà máy lọc dầu Cát Lái ở TP.HCM. Riêng Dung Quất đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa và đang dự kiến sẽ được mở rộng công suất lên trong khoảng 8-10 triệu tấn/năm, kế hoạch đưa vào vận hành trước năm 2015. Ông Nguyễn Hoài Giang, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất), cho biết hiện đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc mở rộng dự án trong thời gian sớm nhất có thể. Trả lời PV về tình trạng có nhiều dự án lọc hóa dầu, liệu có khả năng VN thừa dầu phải xuất khẩu và hiệu quả của việc xuất khẩu đến đâu, ông Phùng Đình Thực, chủ tịch PVN, khẳng định trong chiến lược phát triển ngành dầu khí, chỉ có ba dự án lọc hóa dầu, đó là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và Long Sơn. Thời gian qua có nhiều đối tác xây dựng dự án, mới đây là dự án Vũng Rô. Theo ông Thực, về nguyên tắc khi làm dự án này, để được triển khai, chủ đầu tư sẽ phải làm “báo cáo đầu tư” trình các bộ ngành. Trong báo cáo đầu tư, các nhà đầu tư sẽ phải trình bày cụ thể nguồn vốn, nguồn dầu, kinh doanh sắp tới thế nào, ảnh hưởng môi trường thế nào... Về siêu dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, trong ý kiến chính thức về việc có nên bổ sung Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch không, PVN đã có văn bản thẳng thắn đề nghị Bộ Công thương... không chấp nhận đưa dự án này vào quy hoạch. Dù nhà đầu tư Thái Lan đã đưa định hướng một phần sản phẩm của nhà máy Nhơn Hội sẽ xuất khẩu nhưng PVN cho biết theo quy hoạch hiện hữu, nếu thêm nhà máy Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ mất cân đối cung cầu, thừa nguồn cung. Theo tính toán của Bộ Công thương dựa trên tình hình thực tế triển khai, vận hành các nhà máy, trường hợp các dự án Long Sơn, Nam Vân Phong đưa vào vận hành sau năm 2020 và dự án Nhơn Hội vận hành trước năm 2020, nguồn cung sản phẩm xăng dầu sẽ khoảng 36 triệu tấn, thừa 7 triệu tấn. Đến năm 2025 sẽ thừa 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tính toán này chưa kể đến dự án nhà máy lọc dầu ở Vũng Áng mà UBND tỉnh Hà Tĩnh muốn cấp phép cho Formosa. Đồng thời, tính toán của Bộ Công thương cũng mới chỉ dừng lại ở mức công suất 0,5 triệu tấn của các nhà máy nhiên liệu sinh học. Trong khi đó, theo đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, năm 2025 sản lượng cồn ethanol (dùng để pha xăng sinh học) và dầu thực vật sẽ đạt tới 1,8 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung các sản phẩm xăng dầu sẽ thừa khoảng 12,3 triệu tấn.
Tăng tốc hoàn tất báo cáo dự án khả thi hơn 27 tỉ USD Chiều 16-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết dự án lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) với tổng chi phí đầu tư hơn 27 tỉ USD đang khẩn trương hoàn tất báo cáo khả thi vào tháng 5-2014 trước khi trình Bộ Công thương và Chính phủ.
Về khả năng cân đối nguồn cung cấp dầu thô, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà đầu tư PTT, dự án đảm bảo 50% việc cung cấp dầu thô bằng cách ký các hợp đồng dài hạn và 50% còn lại mua qua hợp đồng ngắn hạn, mua theo giá spot. “Theo đánh giá của PTT, ưu điểm của chiến lược này là trong khi các hợp đồng mua dầu thô dài hạn có thể đảm bảo việc cung cấp dầu thô ở mức giá cố định, thì vẫn có cơ hội để mua dầu thô và thu nhiều lợi nhuận hơn khi giá spot thấp hơn giá của các hợp đồng dài hạn” - phó giám đốc điều hành cao cấp PTT Sukrit Surabotsopon nói.
Theo ông Sukrit Surabotsopon, dự án ưu tiên sản phẩm hóa dầu và PTT dự tính 50% sản phẩm sẽ tiêu thụ trong nước, 50% còn lại dành cho xuất khẩu sang các nước Đông Á, Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó chiều 16-10, mặc dù trời mưa tầm tã nhưng nhiều công nhân tại dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn dầm mưa để san lấp mặt bằng nhằm phục vụ thời điểm khởi công xây dựng nhà máy vào ngày 23-10. Dự án này dự kiến nhập khẩu nguyên liệu dầu thô chủ yếu từ Kuwait. Dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành phần cơ khí, giữa năm 2017 bắt đầu vận hành thương mại. Các sản phẩm của dự án này gồm: khí hóa lỏng LPG: 32.000 tấn/năm, xăng RON 92: 1,131 triệu tấn/năm; xăng RON 95: 1,131 triệu tấn/năm, nhiên liệu phản lực: 580.000 tấn/năm. B.TRUNG - HÀ ĐỒNG |
BẠCH HOÀN - CẦM VĂN KÌNH