Dự án sân bay Long Thành: Bay bổng lạc quan lẫn ủng hộ dè dặt

Cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cùng các ý kiến thảo luận của đại biểu (ĐB) QH trong ngày 4-6 đều ủng hộ chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đi sâu vào từng ý kiến thì vẫn còn những kiến nghị điều chỉnh, băn khoăn nhưng đây là bước thuận lợi để QH tiến tới một nghị quyết cho phép Chính phủ (CP) khởi động nghiên cứu khả thi của dự án này.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đang phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Khép lại phương án mở rộng Tân Sơn Nhất

Trình bày báo cáo của Thường vụ QH về giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐB ở kỳ họp cuối năm ngoái, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết các phương án như mở rộng, nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất đã được tính tới nhưng thấy không khả thi. Nguyên nhân không chỉ từ khó khăn giải phóng mặt bằng mà còn do không thể giải quyết giao thông kết nối quy mô lớn cho Tân Sơn Nhất. Hơn nữa về lâu dài không thể đánh đổi việc nâng công suất với phiền toái ồn ào suốt đêm cũng như rủi ro an toàn của người dân TP.HCM.

Còn giải pháp khai thác sân bay Biên Hòa vào mục đích dân sự cũng không thể bởi khác với Tân Sơn Nhất là sân bay dự bị chiến lược, được trang bị 30%-40% thiết bị quân sự, Biên Hòa là sân bay chiến lược được trang bị 100% thiết bị quân sự, không nên lồng ghép bay dân sự vào…

Cơ quan thường trực của QH cũng khẳng định Long Thành hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được phê duyệt trước đây. Hạ tầng giao thông đã đưa vào khai thác hoặc đang triển khai như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, cảng biển Cái Mép - Thị Vải đều được thiết kế để kết nối các địa bàn trọng điểm với địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Long Thành.

Triển vọng cạnh tranh khu vực: Chưa rõ

Sau trình bày của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, ý kiến thảo luận của các ĐB cũng khá ủng hộ dự án của CP. Thậm chí ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) còn nhận định rất lạc quan rằng Long Thành có “vị thế trời cho, sẽ là sân bay bận rộn nhất khu vực trong tương lai gần”, “sẽ là sân bay không có đối thủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, “sẽ biến Việt Nam thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, bảo dưỡng máy bay, du lịch… của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến băn khoăn. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) tuy đồng tình với đánh giá của CP rằng dự án này có hiệu quả KT-XH cao vì tính lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực, kích thích phát triển kinh tế nhiều địa phương trong khu vực, song vẫn băn khoăn với hiệu quả tài chính tự thân của dự án. “Báo cáo nói tỉ suất nội hoàn (khả năng thu hồi vốn tự thân của dự án - NV) 24,5% cao hơn hẳn mức bình quân 10%-12% của các công trình công cộng ở Việt Nam có đánh bóng quá không?” - ông đặt dấu hỏi.

ĐB Ngân và cả ĐB Trần Du Lịch cho rằng triển vọng Long Thành trở thành cảng trung chuyển hàng không đủ sức cạnh tranh trong khu vực còn chưa rõ ràng. Do đó trước mắt chỉ nên làm Long Thành vì mục tiêu giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Riêng ĐB Ngân đề nghị QH chỉ đồng ý chủ trương cho CP nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án thay vì cả gói như mong muốn của CP.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các ý kiến của các ĐB cơ bản đều ủng hộ chủ trương đầu tư. Những nội dung cụ thể còn ý kiến khác nhau thì Ủy ban Thường vụ sẽ xem xét, tiếp thu.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm