Đây là thực tế được nêu lên tại diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-7 ở Hà Nội.
PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu đến từ ĐH Thương mại Hà Nội, cho rằng sản phẩm địa phương quá tệ làm ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia. Ông Thịnh dẫn chứng khi phỏng vấn 42 du khách nước ngoài tại Hội An, trong đó 24 người đến lần đầu và 18 người đến từ lần thứ hai trở lên cho thấy phần lớn du khách nước ngoài “chê” thông tin điểm đến du lịch nghèo nàn, sản phẩm du lịch ít và đơn điệu; tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc trưng chưa rõ... dù Hội An được coi là điểm đến có tiếng của Việt Nam.
Thâm chí, khi ông Thịnh đóng vai một khách du lịch và thử tìm thông tin trên Internet về du lịch Hà Giang, ông rất thất vọng với những số điện thoại không thể liên lạc dù ảnh chụp về địa điểm khách sạn, quán ăn rất đẹp mắt.
Ngoài du lịch, ông Thịnh cho rằng nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất ra nước ngoài nhưng gần như không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào. Từ con cá tra đến quả vải thiều,… hầu hết các sản phẩm đó đều được ghi chung là product of Vietnam - sản phẩm của Việt Nam.
“Do đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia cần phải làm thế nào để hỗ trợ các địa phương giúp họ nâng cao năng lực, trình độ để tạo dựng hình ảnh điểm đến cho du lịch và sản phẩm hàng hóa của Việt Nam” - ông Thịnh cho ý kiến.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng Việt Nam đi sau, nguồn lực hạn chế nên phải gắn kết với nhau tạo ra những qua sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với cách nhận diện đơn giản nhất. Đặc biệt phải mở rộng thương hiệu quốc gia, thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để khuếch trương mạnh mẽ hơn nữa.
Khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết mục đích của Chương trình Thương hiệu quốc gia là xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao. Điều này nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Thêm vào đó cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu.