Chiều 7-7, tại TP Đà Nẵng, đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng của ba địa phương gồm Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam để bàn phương án chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động du lịch thời gian qua.
Huế, Quảng Nam ổn, Đà Nẵng nóng
Theo đại diện Đà Nẵng, thời gian qua, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến đây du lịch tăng đột biến. Sự tăng trưởng nóng của hai nhóm khách này đã gây phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Ngoài các vấn đề gây bức xúc hiện nay như tình trạng hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động "chui", thuyết minh sai về lịch sử Việt Nam, các công ty lữ hành núp bóng để hoạt động trái phép... thì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng lữ hành quốc tế, nội địa cũng đang gây ra nhiều hệ lụy.
Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động "chui" ở Đà Nẵng.
Trong khi đó, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế khẳng định hoạt động du lịch tại địa phương vẫn ổn định, không có gì phức tạp. Lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến hai địa phương này cũng rất ít, chỉ chiếm hơn 2% thị phần lượng khách quốc tế.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết tình trạng hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên trái phép không chỉ xảy ra với các đoàn khách Trung Quốc mà cả khách Hàn Quốc với mức độ tinh vi.
“Các công ty trong nước, hướng dẫn viên cũng tiếp tay cho hoạt động du lịch trái phép. Thời gian qua, Sở đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có nhiều người bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam 2-3 năm” - ông Cường nói.
Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, khó khăn nhất hiện nay là sự tiếp tay, bao che của các công ty, hướng dẫn viên trong nước. Những người này đứng ra làm “bình phong” khiến cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý các sai phạm.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, nhìn nhận có tình trạng hoạt động du lịch trái phép như báo chí và dư luận nêu. Tuy nhiên, mức độ, tính chất của sự việc này không đến mức “báo động đỏ”.
“Hiện hầu hết các địa phương đều xảy ra tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch trầm trọng. Trong khi Luật Du lịch yêu cầu hướng dẫn viên phải có trình độ ĐH thì các trường của Bộ VH-TT&DL không có đào tạo bậc ĐH mà chỉ có CĐ, trung cấp. Yêu cầu của luật cao như vậy nên đội ngũ lúc nào cũng thiếu. Mà thiếu người thì dẫn đến người ta phải “giật gấu, vá vai”, dùng hướng dẫn viên của người ta” - ông Thành nói.
Lập đội phản ứng nhanh xử lý trong hoạt động du lịch
Tại buổi làm việc đã đưa ra hàng loạt giải pháp, kiến nghị để chấn chỉnh lại hoạt động du lịch.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, yêu cầu ngoài các giải pháp lâu dài thì trước mắt phải có một biện pháp tức thời để giải quyết những vấn đề nóng.
Nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần phải lập ngay một đội liên ngành (đội phản ứng nhanh) để xử lý nhanh các vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch. “Đội này sẽ bao gồm các thành viên từ công an, Sở Công Thương, Sở LĐ-TB&XH... và nồng cốt là Thanh tra Sở Du lịch. Quyết định xử phạt do đội này lập sẽ chuyển thẳng cho một phó chủ tịch ký, không qua nhiều khâu” - ông Thành kiến nghị.
Nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động du lịch được đưa ra. Ảnh: TT
Về lâu dài, ông Vinh kiến nghị Đà Nẵng cùng một số địa phương đặc thù khác như Khánh Hòa, Phú Quốc... thành lập cảnh sát du lịch.
“Chỉ có lực lượng này mới đủ khả năng và thẩm quyền xử lý các vấn đề trong du lịch như chèo kéo du khách, "chặt chém", hoạt động du lịch trái phép... Các nước như Thái Lan, Campuchia, Singapore... đã có lực lượng này từ lâu” - ông Vinh nói.
Một số giải pháp khác được nêu ra như rút giấy phép đơn vị tổ chức du lịch không đủ điều kiện, "đặc cách” cấp thẻ hướng dẫn viên cho những người chưa có bằng ĐH nhưng khả năng ngoại ngữ tốt...