Ngày 26-2, Tổng cục Du lịch, Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) và lãnh đạo bốn tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) đã diễn ra tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã có phiên họp cấp cao Hợp tác phát triển Du lịch nhằm thảo luận về hợp tác liên kết phát triển du lịch bốn địa phương này.
Tổng cục Du lịch cho biết trong chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Bắc Trung Bộ là một khu vực phát triển du lịch có vai trò và vị trí rất quan trọng của cả nước, trong đó bốn địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Bốn tỉnh Bắc miền Trung nhóm họp để hợp tác phát triển du lịch.
Chính vì vậy đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch vùng Bắc miền Trung luôn là mối quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL.
Ông Tom Corrie (Phó ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) cho biết: “Dự án EU-ESRT đã tư vấn xây dựng cơ cấu quản lý điểm đến giúp du lịch phát triển bền vững. Một tổ chức được sắp xếp hợp lý và được tài trợ đầy đủ để làm nhiệm vụ quản lý điểm đến một cách chuyên nghiệp sẽ là yếu tố mang tính quyết định hỗ trợ du lịch phát triển, đặc biệt tại những điểm đến mà du lịch đóng vai trò là một động lực kinh tế quan trọng như tại khu vực Bắc miền Trung”.
Chuyên gia đề xuất, để đảm bảo tính bền vững trong tương lai, các địa phương cần xem xét thiết lập một tổ công tác điều phối các hoạt động du lịch cấp điểm đến. Tiến tới hình thành một ban điều phối phát triển du lịch vùng. Đồng thời, cần phổ biến các kiến thức về du lịch có trách nhiệm tới các chủ thể và phổ biến Chiến lược quản lý điểm đến tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Hơn nữa, sự tham gia của khối tư nhân, xây dựng một quỹ chung dành cho các hoạt động marketing, tăng cường công tác marketing và e-marketing điểm đến của khu vực cũng là những yếu tố quan trọng.
Và thỏa thuận cuối cùng đã được ký kết.
Kết thúc phiên họp, đại diện lãnh đạo bốn tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững.
Các địa phương này thỏa thuận hợp tác bốn nội dung: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nhân lực du lịch.
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ với mục đích đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có trị giá 11 triệu euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu euro.