Theo ghi nhận của chúng tôi, lợi dụng nhu cầu lưu trú của du khách tăng đột biến trong thời gian tết nguyên đán, nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt lại đồng loạt tăng giá phòng từ 200 - 400% so với ngày thường.
Theo đó, ngày thường phòng nghỉ hạng bình dân có giá có giá 150.000 đồng/ngày phòng đơn và 250.000 đồng/ngày phòng đôi, thì những ngày này nâng lên tới 800.000 đồng/ngày, phòng đôi là 1.200.000 đồng/phòng/ngày.
Thậm chí nhiều nhà trọ sinh viên cũng “tranh thủ” lúc sinh viên về quê cũng bắt khách với giá 300 ngàn/phòng/1 ngày.
Hệ thống cơ sở lưu trú của thành phố Đà Lạt rơi vào tình trạng quá tải vì lượng khách đổ vế quá đông
Hiện tượng “cò” dịch vụ lưu trú xuất hiện làm náo loạn hơn. Phương thức hoạt động của những người này là bỏ tiền ra đặt cọc tiền phòng cho các cơ sở lưu trú sau đó chạy khắp nơi mồi cò khách về ở với giá cao kiếm lời.
Một trong những nạn nhân của các tay “cò” này là hai mẹ con du khách đến từ TP.HCM chiều mùng 4 Tết, phải thuê phòng với giá 1,8 triệu đồng/2 người/1 ngày đêm.
Khá nhiều du khách tới Đà Lạt du xuân do không có kế hoạch từ trước đã không thể tìm được nhà nghỉ qua đêm, phải tá túc tạm bợ thậm chí vất vưởng ngoài đường trong giá lạnh. Nhiều đoàn khách không tìm được khách sạn tại Đà Lạt phải chấp nhận quay ngược xuống đèo Prenn đến thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (cách Đà Lạt 30km) để tìm phòng nghỉ.
Có nhiều nhóm thanh niên ở các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đắk Lắk đi xe máy đến Đà Lạt chơi không thuê được phòng đành phải thức trắng đêm ngoài đường.
Các điểm du lịch đông nghẹt khách. Trong ảnh: Khách thăm quan vườn hoa Đà Lạt
Thành phố Đà Lạt hiện có khoảng 800 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 40.000 phòng đáp ứng 60.000-70.000 lượt người/đêm.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, lượng du khách khắp nơi đổ về TP Đà Lạt du xuân ngày 11/2 (mùng 4 Tết) vào khoảng 70.000 lượt khách/ngày nên việc “cháy phòng” là điều tất yếu.