Du lịch đường sông: Nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu

“Trong hai năm gần đây du lịch đường sông đã phát triển khá mạnh. Một số doanh nghiệp nhất là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã khai thác tiềm năng của các tuyến sông rạch nội đô. Từng bước kết nối các tỉnh lân cận Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực trạng sản phẩm du lịch đường sông của thành phố vẫn còn hạn chế. Chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính biểu tượng của du lịch đường sông ở TP.HCM”.

Đây là chia sẻ của TS Mai Hà Phương, ĐH Văn hóa TP.HCM tại hội thảo khoa học Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM  do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức ngày 5-7.

Theo TS Phương  thực tế cho thấy cảnh quan dọc các tuyến kênh chưa tạo điểm nhấn. Môi trường các sông rạch bị ô nhiễm nặng đã hạn chế khai thác không gian mặt nước và các hoạt động thể thao nước… làm cho sản phẩm du lịch đường sông chưa phong phú.

Đa số du khách sử dụng sản phẩm trên các tàu nhà hàng ban đêm vẫn chiếm đa số khách đi theo tour đường sông. Dịch vụ về đêm còn ít chưa khai thác được sự hấp dẫn của thành phố về đêm…

Cùng nhận định trên, ThS Trần Thị  Bích Thủy, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM, kể trong lần đi khảo sát gần đây bản thân tôi thấy điểm đón đưa khách chưa hợp lý.

Cụ thể như tuyến du lich Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khách muốn đi phải đến điểm đón quận Bình Thạnh mới có tàu để đi. Ngay cả dân địa phương không hẳn ai cũng biết có nhà đón khách của tour du lịch này. Trong khi đó, khách nước ngoài thường tập trung tại quận 1.

Điểm đón và điểm đến rất mờ nhạt. Thậm chí khi chúng tôi hỏi hướng dẫn viên họ cũng không biết tour của mình đưa khách đi đến đâu. Khi tôi hỏi đi từ quận 1 đến quận 3 mình sẽ hưởng được những dich vụ nào, sản phẩm nào thì chỉ được trả lời sơ sơ.

“Nhân viên cũng như HDV ở đó có vẻ không chuyên nghiệp tạo nên tâm lý không tin tưởng của khách du lịch. Thậm Khi đến nơi rồi thì cũng không có gì để tham quan, mua sắm, chúng tôi thấy trơ trọi” - bà Thủy nói.

ThS Ngô Hoàng Đại Long, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng hiện nay du lịch đường sông thành phố gặp khó khăn là do chưa khai thác được. Sông Sài Gòn là sản phẩm sông nước đặc thù vì tự nó đã tạo ra không gian riêng để du khách trải nghiệm. Cái quan trọng là khai thác thế nào?

Tuy nhiên, ông Long chỉ ra hiện nay ở Đà Nẵng, Hội An, miền Tây cũng đang tập trung khai thác du lịch trên sông thì vô tình liệu có trùng lặp sản phẩm hay không. Trước đây đồng bằng sông Cửu Long cũng vướng tình trạng đi du lịch một tỉnh, thành thì biết hết 13 tỉnh, thành còn lại. Do đó, TP.HCM tạo ra một sản phẩm cần có sự khác biệt.

“Do đặc thù du lịch đường sông là chi phí dịch vụ cao nên giá tour mà các công ty du lịch đang khai thác khá cao chưa thu hút rộng rãi đối tượng khách du lịch, nhất là khách nội địa” - TS Phương cho hay.

Phía công ty du lịch Sài Gòn cũng cho rằng hiện nay do đặc thù với nhiều chi phí nên hiện nay tour đường sông cao hơn so với loại hình du lịch đường bộ.

Do đó, cần có chính sách hỗ trợ các loại thuế phí, để các DN đưa ra giá hợp lý thu hút khách, đủ sức cạnh tranh, đứng vững và mở rộng thị phần.

Năm 2017 Saigontourist đưa vào bảy tour du lịch đường sông với năm ca nô

 Tại hội thảo nhiều ý kiến của các diễn giả nêu rào cản khiến cho du lịch đường sông chưa thu hút khách chính là vấn đề rác, ô nhiểm môi trường, cơ sở hạ tầng, các trạm dừng chân chưa đầu tư tốt.

Tình trạng lục bình xuất hiện dày đặc, nhiều tuyến nội thành môi trường ô nhiễm, rác thải, … ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khai thác vận tải đường sông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm