Du lịch ‘kết duyên’ đường sắt và hàng không

Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Hà Nội và hãng hàng không Vietnam Airlines vừa ký kết hợp tác đưa khách du lịch từ Nam ra Bắc bằng đường sắt rồi về lại bằng đường hàng không và ngược lại.

Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Khánh (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, về mô hình này.

Trải nghiệm nhiều điểm đến

. Phóng viên: Thưa bà, từ đâu mà có ý định kết hợp này?

+ Bà Nguyễn Thị Khánh: Có rất nhiều khách muốn trải nghiệm phong cảnh, dịch vụ, đời sống... hay mua sắm, thưởng thức đặc sản của nhiều địa phương. Họ không muốn “bay vèo vèo” từ điểm này đến điểm kia.

Doanh nghiệp (DN) du lịch TP cũng muốn mở tuyến tour Nam-Bắc, Bắc-Nam. Đường sắt Hà Nội muốn khai thác tuyến Sài Gòn - Hà Nội, Hà Nội - Sa Pa - Ninh Bình - Lạng Sơn - Trung Quốc… Nếu cả đi và về đều bằng đường sắt thì tốn thời gian, do đó hiệp hội mới “kết duyên” đường sắt-hàng không để rút ngắn thời gian đi lại mà vẫn đảm bảo khách có được trải nghiệm nhờ một chuyến đường sắt.

. Điểm hấp dẫn, khác biệt của tour kết hợp này là gi?

+ Phía đường sắt sẽ làm tour mở để khách có thể dừng ghé các điểm bất kỳ trên hành trình. Ví dụ khách đi Sài Gòn - Hà Nội, tàu lửa có dừng ở ga Nha Trang, tùy nhu cầu của mình, khách có thể xuống tàu, chơi vài ngày ở đây. Khách muốn đi tiếp giờ nào thì sẽ tiếp tục theo dõi giờ giấc các tuyến để đi tiếp tour của mình.

Tùy vào mùa, từng điểm đến mà các công ty sẽ khai thác điểm đến phía Bắc để xây dựng chương trình phù hợp. Chẳng hạn, tháng 9 vừa qua là mùa vàng Mù Cang Chải - một điểm nhấn trong tour Bắc-Nam. Sau đó khách sẽ lên Lào Cai, đi cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng rồi về Hà Nội.

Tất nhiên điểm đến mùa vàng là theo mùa, chỉ diễn ra trong khoảng một tháng. Nếu thời điểm khách đến đã hết mùa vàng, các công ty sẽ chuyển điểm đến khác như Hà Giang, Lạng Sơn, Sa Pa, Hạ Long…

. Người tiêu dùng sẽ được lợi gì khi tham gia tour này?

+ Chúng tôi đang chờ Tổng Công ty Đường sắt Hà Nội đưa ra giá tốt, cạnh tranh được với các hình thức tour khác. Ngoài gắn kết các điểm đến, chương trình còn gắn kết với các địa phương và những đơn vị vận chuyển đường bộ khác nhằm đảm bảo dịch vụ có chất lượng với giá tốt.

Du khách sẽ có nhiều trải nghiệm hơn khi có du lịch đường sắt kết hợp với hàng không. Ảnh: HTD

Cải thiện vệ sinh, ăn uống

. Có ý kiến lo ngại về dịch vụ trên tàu chưa tốt, chưa tạo sự thoải mái cho du khách. Vấn đề này được giải quyết ra sao?

+ Khi làm việc với đường sắt, chúng tôi có thảo luận vấn đề này, cụ thể như cải thiện dịch vụ ăn uống, vệ sinh trên tàu. Chúng tôi cũng đã khảo sát thực tế, thấy rằng phía đường sắt làm khá tốt. Ví dụ khi đến vùng miền nào khách sẽ được phục vụ đặc sản vùng đó. Trên tàu cũng có những toa phục vụ cho khách đoàn, họ có thể làm hội nghị, họp mặt, sự kiện giao lưu.

Đường sắt cũng sẽ có các dịch vụ thư giãn, giúp thời gian trên tàu không bị nhàm chán.

. Năm 2015, hiệp hội cũng bắt tay với Đường sắt Sài Gòn, xin bà cho biết kết quả này?

+ Đường sắt Sài Gòn cho biết lượng khách du lịch chín tháng qua có tăng hơn 20% so với trước khi hợp tác. Các công ty du lịch cũng đã chào bán tour đường sắt. Tuy lượng khách năm đầu còn hạn chế nhưng có thể tăng trưởng.

. Thưa bà, ngành du lịch kỳ vọng vào tour du lịch mới này thế nào?

+ Lâu nay chúng ta chỉ tính đến du lịch đường bộ, đường hàng không. Nay có đường sắt là đa dạng hóa sản phẩm, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Mới đây có công ty chuyên phục vụ khách Đức đã đến hiệp hội tìm hiểu thông tin để chuẩn bị đầu năm 2017 sẽ đưa các đoàn khách Đức từ Hà Nội vào Huế bằng tàu lửa.

Chúng tôi kỳ vọng sự phối hợp giữa các bên được thuận lợi. Điều chúng tôi lo lắng là vào cao điểm sẽ khó đặt chỗ… Tuy nhiên, đường sắt cũng dành tỉ lệ chỗ nhất định để phục vụ khách du lịch.

. Xin cảm ơn bà.

Cần hợp tác toàn diện hơn

Mới đây Công ty Đường sắt đã ra thông báo giảm 20% giá  vé tàu, áp dụng đến cuối năm. Chúng tôi rất hoan nghênh nỗ lực hợp tác của đường sắt.

Năm 2015 khi Hiệp hội Du lịch TP.HCM bắt tay cùng Đường sắt Sài Gòn mở tour miền Trung, lượng khách công ty tăng 20%.

Tôi cho rằng các bên có thể hợp tác toàn diện hơn.

Thứ nhất, đường sắt, hàng không cần cam kết có vé thường xuyên, bất luận thời điểm nào chứ không chỉ cho vé lúc thấp điểm.

Thứ hai, giá vé tàu chỉ chiếm một phần trong giá tour. Ví dụ tour Sài Gòn-Hà Nội, bảy ngày, giá 10 triệu đồng đi và về bằng tàu lửa. Khi được giảm 20% giá tàu thì tour đó giảm chỉ 400.000 đồng, chưa hấp dẫn! Vì vậy cần các đơn vị vận chuyển, lữ hành, khách sạn... phải xắn tay vào, cùng kết hợp nữa, cùng nhau giảm giá thì giá tour mới có thể giảm sâu được.

Thứ ba, các công ty lữ hành cần dựa lưng vào nhau để có sản phẩm bán thường xuyên, định kỳ, thu hút khách. Một năm chỉ có vài ba đoàn đi thì làm sao đòi hỏi hàng không, tàu lửa có chính sách giá tốt, giá mềm cho mình, nhất là mùa cao điểm?!

Ông TRẦN THẾ DŨNG, Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ

Mục tiêu năm 2016-2017 với hai ngành hàng không, đường sắt sẽ tăng khoảng 150% lượng vé với các tour du lịch phong phú hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới