“Du lịch không phải là chuyện ăn xổi ở thì” - đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nói như thế tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội (QH) về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) ngày 8-11.
Du khách nói “không quay lại nữa”
Theo ĐB Nghĩa, Việt Nam không kém quốc gia nào về tiềm năng du lịch nhưng du lịch có quá nhiều bức xúc, nếu không thay đổi triết lý và tái cơ cấu tư duy về du lịch thì không giải quyết được vấn đề.
Dẫn chứng cụ thể hơn về chất lượng du lịch của Việt Nam, ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) nói: “Những người bạn Nga của tôi nói có thể họ sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam du lịch nữa. Họ muốn chơi không có chỗ chơi, muốn đi casino không có, chỗ nào cũng kéo, cũng giằng, cũng sợ bị móc túi”. ĐB Đức cho rằng: “Dịch vụ du lịch của ta chộp giật rất nhiều”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nguyên nhân do an toàn giao thông, an toàn thực phẩm không bảo đảm; nạn “chặt chém” trong du lịch vẫn tiếp diễn… “Nhiều bãi biển phía Bắc chỉ kinh doanh ba tháng hè, vì thế họ tận thu trong thời gian đó. Uống một cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa bị tính tiền ghế ngồi khiến du khách vô cùng bức xúc” - bà Lê Thị Nga nói.
Từ thực tế này, nhiều ĐB kỳ vọng dự án luật lần này sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra cho ngành du lịch hiện nay, biến du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng đóng góp cho GDP. Đáng tiếc, dự thảo quy định còn rất chung chung, mờ nhạt.
Tham dự phiên thảo luận tại tổ đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL) than: “Tới thời điểm này, dự luật đã có nhiều thay đổi so với đề xuất ban đầu của chúng tôi”.
Các điểm tham quan chính ở TP.HCM luôn túc trực các đội bảo vệ, giúp đỡ du khách. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành thì đụng rất nhiều ý kiến. “Khi thể hiện thái độ thì bộ, ngành nào cũng ủng hộ phát triển du lịch nhưng đụng đến trách nhiệm, đóng góp của các bộ thì các bộ lại thấy có khó khăn. Đụng đến visa bộ Ngoại giao không ủng hộ, đụng đến vấn đề cảnh sát du lịch thì Bộ Công an còn băn khoăn, đụng đến vấn đề đầu tư cho du lịch thì Bộ Tài chính lắc đầu”. Ông Tuấn cho biết như thế và cho rằng: “Chính sách đối với du lịch rất bất công, kỳ vọng, đòi hỏi nhiều nhưng đầu tư, chính sách cho du lịch gần như bằng không, một năm đầu tư khoảng 2 triệu USD cho xúc tiến du lịch. Nếu đầu tư cho chúng tôi 10 triệu USD (khoảng 220 tỉ đồng) thì chúng tôi có thể thu hút được khoảng một triệu khách đến, mang lại 1,1 tỉ USD” - ông Tuấn nói.
Đề xuất thành lập cảnh sát du lịch
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là đề xuất thành lập cảnh sát du lịch, đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh luận trong các ĐB.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) phản ánh tình trạng hoạt động không phép của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam làm bình phong cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động du lịch tại Việt Nam, những vấn đề về hướng dẫn viên, chất lượng các cơ sở lưu trú. Bà Tuyết cho rằng với thực trạng hiện nay, thanh tra văn hóa không đảm đương được nhiệm vụ, do vậy việc thành lập cảnh sát du lịch là cần thiết.
“Du lịch chỉ là một phần nhưng đằng sau hoạt động du lịch là các hoạt động âm mưu xấu, lợi dụng hoạt động du lịch để nắm bắt thông tin, tuyên truyền kích động lôi kéo, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn đất nước” - ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, ĐB Đào Thanh Hải nói: “Nếu thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan sẽ đảm bảo quyền lợi cho du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch, đồng thời thúc đẩy ngành này phát triển. Quan điểm của tôi là nên thành lập”.
“Làm gì có cái quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người!” Cùng ngày, thảo luận về Luật Thủy lợi, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc việc các công trình thủy điện, hồ chứa xả lũ “đúng quy trình” nhưng lại gây chết người, làm thiệt hại nặng cho vùng hạ du. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết khi vào vùng lũ ở Hà Tĩnh, người dân đều nói lũ lụt là do xả lũ mà ra. Xả lũ không có kế hoạch, không thông báo trước và không lường trước hậu quả. Bà Thịnh cho rằng việc quy định vận hành của các hồ thủy lợi trong dự thảo luật phải chặt chẽ, phù hợp. “Làm gì có cái quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người. Nếu quy trình gây ra chết người thì chắc chắn phải có sai ở điểm gì đó. Cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, chứ không thể để mãi như vậy được!” - ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho rằng việc dự thảo Luật Thủy lợi giao cho các chủ đầu tư xác lập các quy trình, quy định vận hành hồ chứa là không phù hợp. “Cứ để chủ đầu tư xác lập quy trình, chắc chắn họ sẽ xây dựng theo hướng bảo vệ tốt nhất công trình của họ. Và khi xảy ra hậu quả thì câu chuyện “đúng quy trình” vẫn cứ diễn ra” - ông Sơn nhấn mạnh và đề xuất phải giao cho cơ quan quản lý nhà nước xác lập và phê duyệt. ___________________________________ 10% là tỉ lệ du khách quay trở lại Việt Nam, theo thống kê của ngành du lịch. |