Cuốn sách tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước.
Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại lễ ra mắt. Ảnh: V.THỊNH
Tại lễ ra mắt, nói về sự phát triển và bảo tồn văn hóa của người dân bản địa, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho hay: Ở đó luôn có một sự xung đột, nghĩa là không có khách du lịch đến, không có người nước ngoài biết được thì cộng đồng rất khó để quảng bá văn hóa của mình, nhưng khi có quá nhiều khách du lịch đến thì mọi chuyện lại bị pha tạp.
“Năm 2015, khi chúng tôi bắt đầu làm homestay ở Lũng Cú, Đồng Văn (Hà Giang) thì chỉ có một nhà làm thôi, vài năm sau trên đó một thôn có 40 hộ thì đã có 15 homestay rồi, có những ngày cuối tuần cực kỳ ồn ào”, tác giả bày tỏ.
Cũng theo tác giả, Bản Lác ngày xưa có một nhà làm homestay thì bây giờ cả bản làm, tối khách du dịch lịch không dám ngủ lại ở bản Lác nữa, luôn luôn có sự xung đột và không có người đến cũng khổ và có quá nhiều người đến cũng khổ.
Bìa cuốn sách.
Tuy nhiên, theo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, anh và đơn vị mình có cách làm là có năng lực từ chối. Nhận đủ khách để trải nghiệm và tôn trọng cuộc sống thường ngày của người dân.
Trả lời câu hỏi của PLO về chi phí cho những trải nghiệm của mình, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết: Khách của anh đặt tour đi miền núi Việt Nam từng cho rằng chi phí này còn đắt hơn Singapore. (Thông thường trong một ngày, khách nước ngoài mất 2,3 triệu VNĐ và khách Việt là 1,6 triệu VNĐ). Dù thừa nhận như thế nhưng anh cũng cho hay quan trọng là chất lượng có gì. Nếu tự xách ba lô đi thì rất rẻ.