Video: Du lịch miền Tây vẫn chưa có sản phẩm mới hấp dẫn du khách |
Ngày 16-12, tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), UBND TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch.
Theo báo cáo, chương trình liên kết du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 giảm sâu và tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.
Du khách tham quan các gian hàng giới thiệu văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo thống kê, tổng khách du lịch đến TP.HCM năm 2020 đạt hơn 17 triệu lượt, giảm hơn 66%. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt hơn 84.500 tỉ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ.
Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt hơn 27 triệu lượt, giảm hơn 41% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt trên 21.800 tỉ đồng, giảm 48,26% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, những thành tố quan trọng trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành cũng phải chịu tác động kép. Đó là bị giảm số lượng khách và thậm chí phải bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như: vận chuyển, lưu trú...
Năm 2022, sau đại dịch COVID-19, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã phục hồi, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương và đạt được kết quả đáng phấn khởi.
Kết quả ước tính đến cuối năm 2022, tổng số khách đến ĐBSCL hơn 44 triệu lượt, tăng 201% so với năm 2021. Doanh thu du lịch vùng ĐBSCL đến cuối năm ước đạt gần 34.000 tỉ đồng, tăng 217% so với năm 2021.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định sản phẩm du lịch, các chương trình kích cầu du lịch của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng vẫn chưa có sản phẩm mới và chưa thật sự hấp dẫn. Ảnh: CHÂU ANH |
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tháng 3-2022, tại tỉnh Bạc Liêu, TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tổ chức Hội nghị chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch năm 2022. Đây là động thái cho thấy các địa phương đã chủ động từ rất sớm trong việc khôi phục du lịch sau đại dịch COVID-19.
“Dù chương trình liên kết giữa các tỉnh thành trong năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, lượng khách quốc tế vẫn còn thấp. Cạnh đó, sản phẩm du lịch, các chương trình kích cầu du lịch của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng vẫn chưa có sản phẩm mới và chưa thật sự hấp dẫn” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các nội dung đã thống nhất. Trong năm 2023, TP.HCM đề xuất tập hợp tập trung thực hiện bốn nội dung trọng tâm.
Đó là tăng cường liên kết, xây dựng các sản phẩm sao cho mới hơn, đặc sắc hơn và hấp dẫn hơn. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành với các doanh nghiệp du lịch, du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của 14 tỉnh thành và thông tin đại chúng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các đại phương cần phải ngồi lại để bàn để lựa chọn và cùng đồng lòng, một tiếng nói để quảng cáo các sản phẩm du lịch của ĐBSCL, không đi riêng lẻ nữa. Ảnh: CHÂU ANH |
Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu, phối hợp về các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào du lịch... Theo bà Phan Thị Thắng, đây là việc lãnh đạo các đại phương cần phải ngồi lại để bàn, từ đó tập trung lựa chọn và cùng đồng lòng, một tiếng nói để quảng cáo các sản phẩm du lịch của ĐBSCL nói chung chứ không đi riêng lẻ nữa.
“Chúng ta phải xác định rằng phải cùng nhau lớn mạnh, nơi thiên nhiên có rất nhiều ưu đãi và có nhiều điểm đặc sắc, chúng ta không cạnh tranh lẫn nhau mà phải cùng nhau phát triển. Địa phương nào cũng có những lợi thế, mà có thể có những sản phẩm lại giống nhau, địa phương này cũng có sông ngòi, địa phương kia cũng có vườn trái cây. Chúng ta sẽ bình chọn những nơi nào đặc sắc nhất để chúng ta cạnh tranh với các vùng khác” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích.