TP.HCM: 6 nhiệm vụ phát triển giao thông thủy kết hợp với du lịch

(PLO)- TP.HCM đã đề ra sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm để khai thác tối đa tiềm năng giao thông và du lịch đường thủy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-12, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp với du lịch đường thủy trên địa bàn TP. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã ghi nhận sự phát triển của hệ thống giao thông thủy, các sản phẩm du lịch xứng tầm. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ quan trọng cho các sở, ngành, doanh nghiệp cùng chung tay phát triển lĩnh vực này.

Tiềm năng có nhưng còn nhiều bất cập

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP có hệ thống kênh rạch phong phú nên mạng lưới giao thông thủy phát triển. Hiện hệ thống giao thông thủy chiếm 50% mạng lưới so với giao thông đường bộ.

TP.HCM có hệ thống kênh rạch phong phú nên mạng lưới giao thông thủy rất phát triển. Ảnh: HOÀNG HIẾU

TP.HCM có hệ thống kênh rạch phong phú nên mạng lưới giao thông thủy rất phát triển.
Ảnh: HOÀNG HIẾU

Từ hệ thống giao thông này, TP có thể khai thác được nhiều tuyến đường thủy như xe buýt sông số 1, TP.HCM - Vũng Tàu, TP.HCM - Củ Chi… Đặc biệt, TP đã tập trung đầu tư giao thông đường thủy kết hợp với du lịch, tạo nên một bức tranh sinh động trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông An nhận định tiềm năng đã có, song chưa thực sự phát huy tối đa và chưa phong phú như các quốc gia khác.

Đơn cử, trong 11 tháng đầu năm, TP đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu lượt khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Theo đó, nếu so sánh về tỉ lệ thì chỉ chiếm hơn 1% tổng lượng khách du lịch đã đến TP.

Sở GTVT nhận định khó khăn là do chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, công suất của các cảng thủy nội địa hành khách. Bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có.

TP.HCM có 411 vị trí bến thủy nội địa. TP đã nhiều lần đề nghị ngành chức năng cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện, song ba năm qua chưa nhận được văn bản phản hồi. Vì vậy, nhiều hoạt động tại các bến thủy chưa có quy hoạch buộc phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, tĩnh không cầu trên địa bàn TP hiện nay cũng rất thấp. Trong đề án phát triển giao thông đường thủy cũng đề cập tới vấn đề nâng tĩnh không cầu để phát triển vận tải hành khách, hàng hóa và du lịch. Tuy nhiên, hiện nay TP cũng gặp khó khăn về ngân sách nên chưa thể triển khai.

Sở GTVT TP.HCM nhận định TP có tiềm năng về vận tải và du lịch đường sông, song chưa thực sự phát huy tối đa và chưa phong phú như nhiều quốc gia trên thế giới.

Xóa các bất cập, xây dựng dịch vụ du lịch

Ông Bùi Hòa An cho biết việc di chuyển trên sông bị hạn chế bởi rác, lục bình, thậm chí có cả nệm, tủ… Chỉ trên năm tuyến sông, một ngày đơn vị chức năng có thể vớt được hơn 30 tấn rác nhưng rác thực sự chỉ có 30%.

Theo ông An, cần làm sao cho sông sạch, không hôi thối mới thu hút được khách du lịch. Theo đó, TP mong rằng các đơn vị, doanh nghiệp có thể hiến kế để giao thông thủy gắn kết với các sản phẩm du lịch, thu hút du khách hơn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm du lịch (Sở Du lịch TP), nhận định du lịch đường thủy được TP khai thác rất tốt với sáu tỉnh lân cận gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, lượng khách di chuyển qua đường thủy thực sự thấp so với tổng lượng khách tới TP.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và thời gian qua TP đã triển khai nhiều chương trình để phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, qua đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi TP và các sở, ngành tiếp tục giải quyết. Qua hội nghị này, TP sẽ đưa ra sáu nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong thời gian tới.

Đầu tiên, về quy hoạch 411 bến thủy nội địa: Hiện nay, bến thủy nội địa đã có quy hoạch ngành, song không còn phù hợp và các quy hoạch phân khu cũng đang bị vướng. Khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nào cũng cần phải có sự phù hợp về quy hoạch. Theo đó, tùy vào từng dự án, mức độ ưu tiên, TP có thể điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, về cơ chế, chính sách: TP tiếp tục rà soát, tổng hợp các dự án, chính sách cần ưu tiên đầu tư để lựa chọn theo thứ tự.

Thứ ba, đối với vấn đề hạ tầng và đảm bảo vệ sinh cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, TP cần tập trung với những công trình đang cần triển khai nhanh như cống ngăn triều; đầu tư để nâng tĩnh không các cầu Nam Lý, Bình Phước, Bình Triệu... TP sẽ ưu tiên theo danh mục và không dàn trải.

Thứ tư, việc đầu tư các sản phẩm du lịch, bến du lịch cần có điểm nhấn. Hiện nay, Sở Du lịch cần đưa ra các sản phẩm độc đáo, đặc trưng như ngắm hoàng hôn trên sông, "Có hẹn với Sài Gòn"… Cạnh đó, TP sẽ chú trọng đến phát triển du lịch có chiều sâu, thay vì mang tính đơn thuần.

Thứ năm, nhóm công tác phối hợp đồng bộ giữa sở, ngành và doanh nghiệp, giữa vận tải hành khách với du lịch, hàng hóa và logistics... Các vấn đề này cần họp bàn thường xuyên để kịp thời giải quyết các vướng mắc.

Thứ sáu, tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch đến người dân trong nước và du khách quốc tế.•

Xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông

Trong giai đoạn 2023-2024, Sở Du lịch đã đề ra mục tiêu để phát triển các tuyến du lịch trên sông Sài Gòn và kết hợp với các địa phương.

Trong đó, TP.HCM phấn đấu có 500.000 lượt khách/năm và tăng trưởng 10%/năm; đạt doanh thu 300 tỉ đồng/năm, tăng trưởng 10%/năm và đến năm 2030 trở thành sản phẩm du lịch đường thủy nổi bật.

Để làm được điều này, Sở Du lịch đã đề ra các biện pháp như tăng cường các dịch vụ trên sông, đa dạng hóa các dịch vụ giải trí trên phương tiện thủy.

Song song đó, sở này cũng cho rằng TP cần có chính sách hỗ trợ các nhà điều hành tour trên sông, khai thác các câu lạc bộ vui chơi, giải trí trên mặt nước. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình để phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm