Sáng 16-2, tại TP Huế, Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” đã chính thức diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với Ban điều phối duyên hải miền Trung và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Khai mạc hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) dẫn lời câu nói “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau để các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cùng phát triển.
Theo đó, khu vực khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều lợi thế với 1.870 km đường bờ biển, là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa khai thác, tương xứng với thế mạnh của mình, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh. Đồng thời, đưa ra 8 giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp giữa các địa phương như tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về phát triển du lịch; phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên, giá trị di sản văn hóa vốn có; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư.
Toàn cảnh hội nghị.
Trình bày tại hội nghị, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung phát biểu về Tiềm năng, triển vọng đầu tư và phát triển miền Trung và Tây Nguyên. Ông đã đánh giá miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch; cho rằng việc phát triển du lịch phải có sự gắn kết. Cần thay đổi tư duy, không phát triển du lịch theo điểm mà xây dựng vùng vu lịch.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá tiềm năng du lịch của khu vực này là rất rõ ràng. Cái quan trọng là cần phải biết phát huy được tiềm năng đó, một thực trạng hiện nay là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng là “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết chặt chẽ vùng. Do đó cần phải nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ, cùng nhau phát triển.
Ông Thiên cho rằng Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau; cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới; phải phát triển đồng bộ du lịch các vùng vì hiện nay đang có sự phát triển chênh lệnh; chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, điều mà hiện Đà Nẵng là một trong những tỉnh làm rất hiệu quả.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu khai mạc hội nghị.
Đại diện các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp Châu Âu có mối liên kết từ lâu với Việt Nam (nhất là Huế) và đầu tư rất nhiều trong các lĩnh vực. Hiện nay, các nhà doanh nghiệp Châu Âu đang chú trọng xây dựng “Thành phố thông minh” và “Du lịch thông minh” và cần hướng tới công nghiệp 5.0, phát triển nền kinh tế thông minh trong tương lai nên các địa phương cần phải nắm bắt xu hướng để có những giải pháp phát triển phù hợp.
Tại hội nghị còn có những phát biểu ý kiến của đại sứ Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, ý kiến của những doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG, nhấn mạnh kinh nghiệm để đạt được những thành quả nổi bật đó thì doanh nghiệp cần phải biết "dấn thân", có trách nhiệm và biết chịu áp lực; tuy nhiên cần phải có sự hỗ trợ đồng hành của các cơ quan nhà nước tạo thuận lợi trong các thủ tục đầu đầu tư, cần có thêm nhiều chính sách như miễn visa, miễn thuế cho khách du lịch để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Tài nguyên Du lịch của miền Trung - Tây Nguyên chưa khai thác hết những tiềm năng vốn có, như một viên ngọc thô chưa được mài dũa. Du lịch vẫn còn đơn điệu, mức chi tiêu trung bình của du khách khi đến đây còn thấp, các dịch vụ hỗ trợ đi kèm như vui chơi giải trị còn nghèo nàn, ngành du lịch chậm đổi mới,...
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng chặt chém du khách, taxi dù,… đã ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong lòng du khách. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến du lịch mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành khác. Các cơ quan thực thi pháp luật cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh những việc làm này.
Thủ tướng đặt ra những câu hỏi đối với du lịch là làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn, làm gì để du khách chi tiền nhiều hơn thay vì không có gì để tiêu. Làm thế nào để du khách kể lại với bạn bè người thân về một chuyến du lịch tuyệt vời thay vì kể những câu chuyện du lịch xấu tại Việt Nam, làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất chứ không phải đi không quay lại.
Tại Hội nghị đã ký kết nhiều biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc Khu vực miền Trung và Tây Nguyên.