Ngày 18-3, Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm về quy trình tổ chức du lịch an toàn và bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
Khách du lịch tham quan và chụp ảnh tại khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) trước dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chuẩn bị sản phẩm đón khách quốc tế
Ông Hoàng Hữu Lộc, Chủ tịch Chi hội lữ hành TP.HCM, nhìn nhận hiện nay một số quốc gia đã triển khai chủ trương mở cửa đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine hay visa vaccine. Dù đây là vấn đề vẫn còn tranh cãi nhưng rõ ràng nó là giải pháp tương đối khả thi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, từ đó giúp ngành du lịch có điều kiện vượt qua khó khăn hiện tại.
Hàng trăm công ty chia tay thị trường Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến thời điểm này đã có trên 50% lực lượng lao động trong ngành du lịch tạm nghỉ việc; khoảng 150 công ty lữ hành quốc tế và nội địa chính thức xin rút giấy phép kinh doanh. Đáng lo ngại nhất là số công ty còn hoạt động chỉ khoảng 10%-15%, số khác tạm ngưng hoạt động. Hiện các công ty lữ hành đang rất khó khăn. |
Du khách có visa vaccine cùng giấy chứng nhận âm tính là cơ sở để Việt Nam xem xét cho nhập cảnh mà không cần phải qua cách ly. Bởi nếu khách đủ các tiêu chí trên mà vẫn áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày thì chắc chắn họ không đến Việt Nam do thời gian đi du lịch thường ngắn chứ không kéo dài.
“Việc công nhận visa vaccine giữa các nước với nhau cũng rất quan trọng vì nó sẽ tạo điều kiện cho du khách Việt Nam đi du lịch đến các nước như trước đây. Nếu được thông qua, chúng tôi tin rằng giải pháp này sẽ tạo điều kiện để khôi phục du lịch. Giải pháp này cũng tương thích với quy định thế giới khi hiện nay một số nước triển khai chủ trương visa vaccine” - ông Lộc nói.
Đồng quan điểm trên, bà Cao Thị Tuyết Lan, Trưởng ban Đối ngoại và phát triển thị trường thuộc Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế; chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng visa vaccine.
Trong bối cảnh đó, hiệp hội đang cùng các công ty du lịch chuẩn bị quy trình an toàn để sẵn sàng đón khách du lịch. Các đơn vị này cũng triển khai các giải pháp để có thể đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài kết hợp thăm người thân, bạn bè, du học… Bởi Việt Nam trung bình mỗi năm có 9-10 triệu khách đi du lịch nước ngoài. Họ có nhu cầu cấp thiết trong việc đi ra nước ngoài nên phải chuẩn bị phục vụ.
Cụ thể, các công ty du lịch đang tích cực chọn điểm đến thật sự an toàn đưa khách tới; hỗ trợ những du khách đã được cấp chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19... Bên cạnh đó, yêu cầu khách du lịch phải nghiêm chỉnh tuân thủ đảm bảo an toàn và những dịch vụ kèm theo ở điểm đến phải an toàn để khi mở cửa sẵn sàng đón khách ngay.
“Hiện nay châu Âu và nhiều quốc gia bắt đầu triển khai visa vaccine. Nếu khách Việt Nam muốn đi du lịch thì phải đáp ứng nhu cầu của họ. Đây là xu hướng toàn cầu. Do vậy, các công ty du lịch mong muốn các bộ, ngành nghiên cứu và có phương án phù hợp, cụ thể để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân” - bà Lan tha thiết đề nghị.
Đại diện một số công ty du lịch khác gợi ý việc mở cửa du lịch quốc tế trước tiên có thể thí điểm với những người đã được tiêm vaccine, khách doanh nhân, thị trường đang kiểm soát dịch tốt...
Trước mắt tập trung khách nội địa
Trong bối cảnh chưa mở cửa đón khách quốc tế, ngành du lịch đang tập trung tối đa cho thị trường nội địa. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng vấn đề visa vaccine đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu chứ chưa có quyết định chính thức.
Do vậy, trước mắt sở đang khảo sát lại tất cả sản phẩm du lịch hiện hữu ở TP.HCM như du lịch đường thủy, du lịch nông thôn… để làm mới sản phẩm. Từ đó có thể thu hút khách nội địa và chuẩn bị cho thu hút khách quốc tế khi mở cửa lại.
“Ngành du lịch nên có tâm thế như vậy để sử dụng hết tài nguyên hiện hữu đang có, khai thác tốt cũng như nâng chất sản phẩm cũ và suy nghĩ tung ra sản phẩm mới trong giai đoạn tiếp theo” - bà Hiếu đề nghị.
Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng đánh giá hiện nay tại TP.HCM, tất cả dịch vụ khách sạn đang có mức giá rất tốt. TP.HCM cũng có nhiều tài nguyên du lịch nhưng lại chưa kết nối tốt. Do vậy, vấn đề đặt ra là TP.HCM cần có các giải pháp tốt để thu hút khách từ các địa phương đến nhiều hơn.
Ví dụ, TP.HCM cần xây dựng chợ đêm, phố du lịch đúng nghĩa để làm tam giác trọng điểm kết nối du lịch các quận trung tâm cũng như vùng ven. Song song đó cần có chiến lược về lương bổng để thu hút cũng như giữ chân nhân tài, người lao động.
“Hơn một năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên nguồn nhân lực ngành du lịch cạn kiệt. Như vậy, đến khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, nguồn nhân lực có thể chạy qua các nước bạn, Việt Nam mất nguồn nhân lực phục vụ khách” - lãnh đạo Vietravel cảnh báo.
Khách du lịch tham quan TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Du lịch xin được nhập vaccine để bớt khổ Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết: Chính phủ đã và đang tiếp tục nhập về số lượng lớn vaccine, đồng thời có chủ trương phân bổ theo thứ tự ưu tiên đối với các ngành nghề được chỉ định, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, hiệp hội đã có văn bản gửi doanh nghiệp đề nghị hưởng ứng chương trình xã hội hóa vaccine phòng COVID-19. Qua đó để ngành du lịch có thể tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian sớm nhất và góp phần chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. “Hiệp hội cũng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị giới thiệu, chỉ định các đơn vị có thẩm quyền và uy tín trong việc cung cấp vaccine thương mại phòng COVID-19 đến các công ty hội viên” - bà Khánh cho hay. Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng nếu cứ trông chờ vào chính sách tiêm ngừa vaccine theo đối tượng ưu tiên thì không biết bao giờ ngành du lịch mới hết khổ. Do vậy, ông đề xuất cho phép ngành du lịch có cơ chế riêng để các công ty du lịch có thể nhập vaccine về. Đại diện nhiều công ty lữ hành khác cũng cho hay các hoạt động lữ hành quốc tế gần như tê liệt trong hơn một năm qua. Đến thời điểm này, đã có 80%-90% công ty lữ hành trên cả nước tạm ngưng hoặc đóng cửa. Thậm chí, nhiều thương hiệu lữ hành quốc tế gần như biến mất. Do vậy thông tin vaccine đang được triển khai tiêm rộng rãi mang lại hy vọng sẽ sớm được kết nối lại du lịch. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có chương trình, kế hoạch, tiêu chí cụ thể chứ không nên chỉ dừng lại ở việc bàn mở cửa hay không. |