“Người cấp phép phải là kiến trúc sư”,Lê Bình, TP. HCM, trahamlai@...,
Theo ý kiến của Ông Tuyến(Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng- chú thích của Tòa soạn) thì chúng tôi đề nghị:
1) Người cấp phép phải là kiến trúc sư.
2) Người làm công tác thanh tra xây dựng phải là kỹ sư có hiểu biết về xây dựng.
Với thành phần nhân sự trên thì sẽ không bao giờ có chuyện vặn vẹo tại sao : " ngăn phòng lại rộng ( nhỏ) hơn bản vẽ đến .... 0.5 cm ???" .Vì với kiến thức của mình, họ biết rõ thế nào là kết cấu hay không kết cấu, chịu lực hay không chịu lực. Vấn đề này được ghi rõ trong Quyết định 04 năm 2006 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng. Trường hợp không cần phải xin phép xây dựng là “các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình” (điểm e khoản 1 Điều 5). Hy vọng ý kiến được tham khảo.
“Nhà nước cần tạo ra cơ chế cấp phép xây dựng tự động, đó là cơ chế hậu kiểm”, Phùng Thanh Sơn, TP. HCM, phungkyson@...,
Để tránh phiền hà cho người dân, nhà nước nên tạo ra cơ chế cấp phép xây dựng tự động, đó là cơ chế hậu kiểm. Nhà nước chỉ cần công bố quy chuẩn xây dựng cho từng tuyến đường như quy định xây dựng cách lộ giới bao nhiêu mét, độ cao của cốt nền, chiều rộng tối thiểu của mặt tiền nhà, chiều cao, số tầng, trường hợp nào thì buộc phải hợp khối, trường hợp nào thì không... Chủ đầu tư nào tuân thủ thì cho tồn tại, chủ đầu tư nào không tuân thủ thì buộc tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng. Vì suy cho cùng, việc cấp phép xây dựng cũng là nhằm để người dân tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng, quy hoạch và mỹ quan đô thị. Một khi quy chuẩn xây dựng của từng tuyến đường được công bố thì người dân sẽ biết và cùng tham gia giám sát trong việc xây dựng. Lúc đó cán bộ quản lý xây dựng không thể bao che cho những sai phạm trong xây dựng. Với cơ chế tự động thì người dân không cần phải xin phép mà chỉ cần tuân thủ các quy chuẩn và cơ quan nhà nước chỉ có nghĩa vụ căn cứ vào quy chuẩn xây dựng của mỗi tuyến đường để kiểm tra. Lúc đó bộ máy quản lý xây dựng sẽ được tinh giảm đáng kể, làm việc hiệu quả hơn và hạn chế tối đa những tiêu cực trong quản lý xây dựng. Chủ đầu tư có nghĩa vụ đảm bảo về chất lượng công trình và thiết kế (Đối với những công trình ở khu đô thị phải do công ty thiết thực hiện).
Nên cho người dân được quyền tự do xây dựng trong khuôn khổ được cấp phép”, Quang Huy, TP. HCM, huy_1964@...,
Sau khi đọc xong loạt 3 bài viết về GPXD này, tôi thật sự cảm thấy ngỡ ngàng và bức xúc. Do đó tôi xin có một số ý kiến sau đây gửi đến các nhà quản lý:
1) Nếu đã duyệt tầng cao, chiều cao, lộ giới ... cho dân rồi thì người dân có quyền tự do xây dựng trong khuôn khổ được cấp phép đó. Những thay đổi về nội thất bên trong (VD : xây cầu thang ở góc trái thay vì ở góc phải theo bảng vẽ ...) nhưng không làm thay đổi kết cấu của ngôi nhà thì được xem là hợp lệ, không cần phải xin cấp phép lại hoặc phải nộp phạt. Nhân đây tôi xin được đánh giá cao đề xuất của ông Nguyễn Văn Kỳ - Thanh tra xây dựng quận 5 (“Đối với những điều chỉnh thuộc về nội thất như vị trí phòng, số phòng, chiều rộng của cửa, vị trí nhà vệ sinh, bếp, cầu thang, vị trí ô thông thoáng, chính quyền không nên quản làm gì. Tầng lửng, phòng trên sân thượng, mái che cầu thang có rộng hơn cũng không nên bắt bẻ nếu vẫn bảo đảm được quy hoạch. Phần diện tích xây dựng tăng lên do sai số khi đo đạc mà thực tế không vi phạm lộ giới, khoảng lùi, không lấn đất nhà hàng xóm cũng không nên xem là sai phép”.) và quan điểm của quận 3 ( “Những thay đổi nhỏ, không trái quy chuẩn, quy hoạch, không làm ảnh hưởng đến kết cấu chung của công trình thì chủ nhà không phải điều chỉnh giấy phép xây dựng”).
2) Luật pháp nói chung và những qui định pháp lý nói riêng phải được giải thích và được hiểu thống nhất ở mọi nơi và bởi mọi công dân, nếu không sẽ dẫn đến một nền hành chính thiếu minh bạch, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhũng nhiễu. Mong các nhà quản lý lắng nghe người dân một cách cầu thị.
Khu quy hoạch treo, chỉ được cấp phép xây dựng tạm-Hoàng Hiệp, TP. HCM, hoang_hiepkrt@...,
Tôi có nhu cầu xây dựng nhà thì được biết khu nhà tôi mới được quy hoạch thành khu phức hợp (thông tin này không công khai nên chẳng ai biết) . Do đó, cán bộ UBND quận Tân Phú cho biết là không thể cấp phép xây dựng mà chỉ được xây dựng tạm. Tuy nhiên, phải làm cam kết tự tháo dỡ và không được bồi thường. Như vậy có sự công bằng và sòng phẳng giữa chính quyền và người dân không? Quyền lợi người dân đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Đây là dự án mới được phê duyệt chưa được công bố, cũng như chưa có bản đồ 1/2000, chưa có quyết định thu hồi đất, nói chung chưa có gì cả. Vậy mà người dân vẫn không thể được cấp phép hoàn chỉnh để xây dựng nhà của mình được. Như vậy, UBND quận Tân Phú trả lời và giải quyết như vậy có đúng không?
“Giấy cấp phép xây dựng cần được in theo mẫu thống nhất”, Minh Khanh, TP. HCM
Vấn đề ở đây là chỉ đạo của lãnh đạo cấp Thành Phố không rõ ràng nên mỗi nơi thi hành mỗi kiểu khác nhau. Nếu giấy phép đều được in theo mẫu thống nhất, với ghi chú cụ thể thì hiện tượng làm theo cảm tính, quan liêu, cửa quyền sẽ không còn nữa. Để người dân nắm rõ thông tin, tránh trường hợp “ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” bài viết này nên bổ sung thêm phần ý kiến xác nhận của Thành Phố, để người dân nắm rõ.Mong có sự phản hồi từ cơ quan chức năng Thành Phố. Rất hoan nghênh loạt bài cấp phép xây dựng của quý báo. Chúc báo Pháp Luật TP. HCM luôn thành công.
Phạm Quang